Chuyên gia cảnh báo rủi ro khi đầu tư vào Năng Phát Land với lãi suất 240%
TCDN - Để mời gọi được các nhà đầu tư bỏ vốn vào Năng Phát Land, nhóm kêu gọi đưa ra mức lãi suất “khủng” với các gói đầu tư theo ngày thì nhà đầu tư sẽ được nhận lãi suất 0,5%/ngày, gói đầu tư theo tháng là 10%/tháng, gói đầu tư theo năm là 120%/năm, còn gói đầu tư theo chu kỳ lên tới 240%/chu kỳ.
Thời gian gần đây, PV Tài chính Doanh nghiệp nhận được phản ảnh của người dân về việc họ thường xuyên nhận được những cuộc gọi, tin nhắn mời đến tham dự sự kiện, khai trương văn phòng giao dịch của doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land.
Sau đó, họ còn được mời vào những nhóm chát trên mạng xã hội như zalo, facebook và nhận được lời kêu gọi tham gia vào những gói đầu tư tài chính của Năng Phát Land với giá trị thấp nhất là 10 triệu đồng, cao nhất là 50 tỷ đồng.
Để mời gọi được các nhà đầu tư, nhóm kêu gọi đưa ra mức lãi suất “khủng” từ 0,5 – 240%. Cụ thể, với các gói đầu tư theo ngày thì nhà đầu tư sẽ được nhận lãi suất 0,5%/ngày, gói đầu tư theo tháng lãi suất là 10%/tháng, gói đầu tư theo năm lãi suất là 120%/năm, còn gói đầu tư theo chu kỳ lên tới 240%/chu kỳ.
Đặc biệt, các nhà đầu tư chỉ cần bỏ vốn. Thậm chí còn được phía Năng Phát Land bổ nhiệm cho chức vụ Giám đốc Chi nhánh. Nếu nhà đầu tư tìm kiếm thêm được nhiều đối tác đầu tư cùng thì lãi suất càng nhiều và chức vụ sẽ được bổ nhiệm càng cao.
Cũng theo lời giới thiệu của nhóm kêu gọi đầu tư, số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra sẽ được Năng Phát Land tiếp tục mang đi đầu tư lĩnh vực sản phẩm đất nền; Sản phẩm căn hộ; Sản phẩm phố liền kề, biệt thự nghỉ dưỡng, gian hàng thương mại…
Nhận định về sự việc đầu tư tài chính lãi suất lên đến 240%/năm của Năng Phát Land, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, mô hình này rất giống với kiểu đa cấp biến tướng (Ponzi) đã từng bủng nổ ở Việt Nam cách đây mấy năm.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Thành cho hay “đặc điểm nổi bật của mô hình Ponzi là việc hứa hẹn lãi suất đầu tư rất lớn, gấp nhiều lần lãi suất thông thường do các tổ chức tín dụng áp dụng. Mô hình này thường yêu cầu, kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục Mô hình Ponzi sụp đổ khi mà một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới. Thông thường trong mô hình Ponzi, nhà đầu tư được chào mời tham gia các dự án đầu tư với lãi suất hấp dẫn, tỷ lệ hoàn vốn cao. Tiền đầu tư hoặc góp vốn thay vì được sử dụng để tái đầu tư sinh ra lợi nhuận để trả lãi thì lại được dùng đề trả cho nhà đầu tư trước đó và bản chất không có bất kỳ hoạt động đầu tư sinh lời nào”.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển thông tin, đã có hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến việc gửi tiền lãi suất cao. "Có thể thấy nhà đầu tư quên những câu chuyện trong quá khứ và nhiều người thường vì lợi nhuận quá cao mà quên đi những đề phòng bình thường. Đây chính là hành vi tài chính mà tội phạm thường lợi dụng khi dựng nên các thương vụ lừa".
Ông Hiển cũng khuyến cáo các đối tượng tội phạm dùng các loại hình công nghệ để người dân tin rằng hoạt động của họ có thể sinh ra lời cao. Do ý thức được đây là hành vi phạm pháp nên tội phạm thường "lừa nhanh, rút lẹ" khi cơ quan chức năng chưa kịp vào cuộc. Và những người vào sau là những người trắng tay vì chưa kịp thu lời thì app đã sập.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế, khẳng định, không có một loại hình kinh doanh nào có thể có được mức lãi suất “khủng” như vậy. Vì thế, chúng ta phải đặt ra nghi vấn về cách thức kêu gọi nhà đầu tư của Năng Phát Land.
“Nói đến Năng Phát Land chúng ta cần tìm hiểu chức năng, nhiệm vụ của họ là gì? Họ có quyền huy động vốn hay không? Rõ ràng chúng ta thấy được, chắc chắn họ không có quyền hạn huy động, kêu gọi vốn với mức lãi suất cao khủng khiếp như vậy, đây là việc có dấu hiệu vi phạm luật tín dụng", ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia kinh tế cảnh báo, người dân, người có vốn được kêu gọi đầu tư phải tự xác định, không có loại hình đầu tư nào mà có lãi cao như vậy. Tất cả những hoạt động huy động vốn không có bất kỳ cam kết nào, rất mù mờ, vậy tại sao lại dám lao vào? Nếu thấy “mật ngọt” và lao vào thì vô cùng nguy hiểm.
Mô hình kinh doanh như vậy rất rủi ro. Trong điều kiện hiện nay, khi mà internet phát triển mạnh và đa dạng, các loại kinh doanh biến tướng núp bóng “kinh doanh 4.0”, lợi dụng sự phát triển kinh tế số để lừa đảo các nhà đầu tư thông qua hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn. Vậy nên người dân cần vô cùng cẩn trọng khi tham gia những mô hình kinh doanh này.
“Các hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng thường vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng, sử dụng tên rất kêu, thậm chí còn vẽ vào đó những quỹ đầu tư của nước ngoài để lôi kéo nhà đầu tư. Mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng đã xuất hiện từ nhiều năm trước, gần đây lại xuất hiện núp bóng dưới nhiều dạng kinh doanh, song thực chất chỉ là bình mới rượu cũ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Công Thương đã khuyến nghị người dân không tham gia vào mạng huy động vốn đa cấp. Gần đây, trên mạng xã hội như facebook, zalo tràn ngập các lời quảng cáo mời gọi tham gia các dự án đầu tư theo kiểu đa cấp, mang nhiều cái tên như “kinh doanh hệ thống”, “kinh doanh mạng”, “kinh doanh thời đại 4.0”… Các đối tượng sẽ nhắm tới là những người đang ham muốn làm giàu nhanh chóng, những người chưa có việc làm, mong muốn khởi nghiệp,… Người dân cần tìm hiểu kỹ, cảnh giác khi đầu tư, tránh tiền mất tật mang.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng Phát Land có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Icon4, 243A Đê La Thành, Phường Láng Thượng, Quận Đống đa, Hà Nội. Người đại diện pháp luật cho Năng Phát Land là ông Đỗ Doãn Năng - một nhân vật khá mới mẻ.
Đặc biệt, Năng Phát Land mới được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 16/2/2022. Ngành nghề kinh doanh chính của Năng Phát Land là bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn được phép kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ lương thực, thực phẩm, xây dựng, môi giới, đấu giá hàng hoá...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899