Chuyển giá: Hiểu để xử lý đúng!

30/06/2020, 14:08

TCDN - “Chuyển giá” luôn là một vấn đề nổi cộm trong quản lý thuế, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt khi hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề tranh cãi về khái niệm “chuyển giá” và cách thức xác định cũng như xử lý các giao dịch liên kết.

 Hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết phù hợp với các thông lệ quốc tế là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và ổn định của môi trường đầu tư.

Khái niệm “chuyển giá”còn nhiều tranh cãi

Theo lý thuyết, chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay của nhóm liên kết. Đầu tiên phải khẳng định, chuyển giá là một hoạt động phổ biến trong các tập đoàn cả trong và ngoài nước.

x0744_tao-hanh-lang-phap-ly-vung

Từ góc độ chuyên gia quốc tế, ông Wayne Barford - Cố vấn cấp cao của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế - cho rằng, chuyển giá là các quy tắc và phương pháp định giá cho các giao dịch nội bộ và giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một hệ thống sở hữu hoặc kiểm soát. Do những giao dịch liên kết xuyên biên giới có thể làm thay đổi thu nhập chịu thuế, các cơ quan thuế ở nhiều quốc gia có thể áp dụng những phương pháp xác định giá khác với những phương pháp thông thường dựa trên giá thị trường giữa những doanh nghiệp độc lập. Ông Wayne khẳng định thêm: “Chuyển giá về bản chất không phải là một hoạt động bất hợp pháp. Chỉ có gian lận về giá hay lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế mới là bất hợp pháp”.

Một chuyên gia khác, bà Hương Vũ - Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young Việt Nam - cũng đưa ra hai mặt khác nhau của vấn đề chuyển giá, đó là “lạm dụng chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận” và “hoạt động chuyển giá tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam và thông lệ quốc tế”.

Lỗ kéo dài mà vẫn đầu tư có phải là dấu hiệu của chuyển giá?

Có khá nhiều cơ quan quản lý và người tiêu dùng đặt vấn đề “nghi vấn chuyển giá” cho một số doanh nghiệp lỗ kéo dài nhiều năm mà vẫn đầu tư. Quan điểm này cần phải xem xét lại từ cả góc độ chuyên môn và thực tiễn.

Trong một cuộc trao đổi với báo chí gần đây, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh đã bày tỏ quan điểm: “Nếu chỉ căn cứ vào việc một doanh nghiệp nào đó liên tục báo lỗ, nhưng vẫn mở rộng sản xuất và đầu tư, thì chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất và thiếu tính thuyết phục, do có vô vàn lý do để xảy ra tình trạng đó... Cốt lõi để phát hiện chuyển giá chính là nắm được giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch dựa trên quan hệ liên kết với giá phi thị trường”.

Trên thực tế, có khá nhiều tập đoàn lớn đa quốc gia vì lý do giữ thị trường và thị phần, sẵn sàng kinh doanh lỗ trong nhiều năm và tiếp tục đầu tư để hy vọng có thể thay đổi tình hình trong tương lai. Đối với những tập đoàn này, việc giữ lại một thị trường và thương hiệu trên thị trường đó thay vì đóng cửa bỏ đi khỏi thị trường và làm hàng chục nghìn người mất việc có giá trị lớn hơn nhiều so với số lỗ mà họ phải chịu. Chính vì thế, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia có thương hiệu mạnh chịu lỗ đến 10 - 20 năm để duy trì thương hiệu của họ trên thị trường.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Việt Nam có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó, nhiều doanh nghiệp thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào con số nói trên thì không thể khẳng định tất cả những doanh nghiệp này đang chuyển giá bất hợp pháp. Vì vậy các cơ quan quản lý và người tiêu dùng cần đánh giá một cách khách quan và tránh có kết luận vội vàng khi chưa có căn cứ để tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Việc hiểu rõ về khái niệm “chuyển giá”, cũng như xác định rõ bản chất của các giao dịch liên kết và hoạt động chuyển giá trong doanh nghiệp là vô cùng quan trọng để phân định đây là một hoạt động tài chính thông thường hay là một hành vi lạm dụng chuyển giá nhằm mục đích trốn thuế. Khi đã có sự đồng thuận về cách hiểu giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp, các vấn đề đều sẽ được giải quyết trên cơ sở minh bạch, rõ ràng, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cả nhà nước và doanh nghiệp.

Để xử lý “chuyển giá” hiệu quả

Vẫn theo TS. Vũ Đình Ánh, muốn xác định được lợi nhuận thực, phải xác định được giá trị đầu tư thực, doanh thu thực và chi phí thực. Trong khi chúng ta còn quá nhiều lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của doanh nghiệp thì hô hào xác định lợi nhuận thực, hay lợi nhuận hoạt động của doanh nghiệp để chống chuyển giá là không thực tế, thiếu khả thi và thiếu hiệu quả. Ông cũng đề xuất cần kiện toàn hệ thống pháp luật chống chuyển giá của Việt Nam bằng cách ban hành Luật Chống chuyển giá, để tất cả các nội dung chống chuyển giá, từ phòng ngừa, ngăn chặn, đến phát hiện, xử lý hành vi chuyển giá đều được quy định trong luật này.

Từ góc nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Adam Sitkoff - Giám đốc điều hành Amcham Hà Nội - cũng từng bày tỏ quan ngại với cách nhìn nhận khá phổ biến về chuyển giá ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ông mong rằng, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng nên có cách nhìn công bằng hơn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không nên vội quy kết rằng họ chuyển giá, trốn thuế chỉ vì họ kinh doanh không có lãi trong nhiều năm. Theo ông, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Cách nhìn nhận không phù hợp và thiếu khách quan về những giao dịch này sẽ tạo nên những thách thức và rào cản đối với các nhà đầu tư xuyên quốc gia khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Ông Adam cũng cho rằng, cần thiết phải có những phương pháp xác định các mức giá phù hợp đối với các giao dịch này, bao gồm cả các giao dịch hữu hình, vô hình, dịch vụ, tài chính hay phân bổ chi phí/cổ phần.

Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) - một biện pháp hiệu quả trong việc quản lý những rủi ro về giá, cũng đã được nghiên cứu để áp dụng trong quản lý thuế ở Việt Nam, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự được triển khai. Theo ông Mark Grillin - Trưởng nhóm công tác Thuế và Hải quan, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), mô hình phổ biến nhất để thực hiện điều này là của Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) với nguyên tắc cơ bản là khái niệm “giá thị trường”. OECD đã giải quyết vấn đề không rõ ràng này bằng cách cung cấp các hướng dẫn liên quan đến thỏa thuận trước về giá. Theo đó, các doanh nghiệp có thể cung cấp cơ sở cho việc định giá của bên liên quan cho cơ quan thuế phê duyệt trước khi thực hiện giao dịch.

Các thỏa thuận này giúp đảm bảo chắc chắn cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại hiệu quả cao cho Chính phủ. Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc của OECD tại một số văn bản pháp lý về quản lý thuế nhưng chưa ký kết được thỏa thuận nào. “Việc không có các thỏa thuận như vậy ngày càng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và hệ thống kiểm toán nói chung. Quá trình kiểm toán mất nhiều thời gian hơn, không đảm bảo tính chính xác và thiên về nhận định chủ quan hơn, dẫn đến nguy cơ phát sinh tranh chấp” - ông Mark Grillin nhấn mạnh.

Theo Công thương

Bạn đang đọc bài viết Chuyển giá: Hiểu để xử lý đúng! tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

6 tháng đầu năm Việt Nam hút  FDI gần 16 tỷ USD
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI còn nhiều bất cập
Cần đánh giá lại các chính sách về mục tiêu, tác động, chi phí, lợi ích để đảm bảo chống thất thu ngân sách nhà nước và bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế khi các chính sách ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang bộc lộ nhiều bất cập.