Chuyên gia kinh tế hiến kế để Nghệ An thành tỉnh giàu mạnh

22/08/2019, 13:18

TCDN - Nghệ An cần đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhằm nâng cao năng suất lao động, vùng đồng bằng và thành phố có chính sách thu hút nguồn lực, vùng khó khăn nên có chính sách nhà nước đầu tư.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia kinh tế - Ảnh: Báo Nghệ An.

Quang cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia kinh tế - Ảnh: Báo Nghệ An.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An vừa có cuộc làm việc với các chuyên gia kinh tế - xã hội hàng đầu nhằm tìm ra những điểm yếu, hạn chế và gợi mở những giải pháp quan trọng trong điều hành giúp tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Báo cáo tại cuộc họp, UBND tỉnh Nghệ An cho biết, chặng đường gần 10 năm qua (2011 - 2018), Nghệ An đã có những bước phát triển nổi trội về nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2011 - 2018 là 8,72%; phấn đấu năm 2019 tăng trưởng GRDP đạt khoảng 9% và năm 2020 tăng khoảng 9,0-9,5%. GRDP năm 2020 theo giá so sánh ước tăng 2,15 lần so với năm 2011 và ước tăng 1,41 lần so với năm 2016. GRDP bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng, năm 2020 ước đạt khoảng 48 triệu đồng, gấp 1,7 lần năm 2015. 

Tuy nhiên, tốc độ phát triển Nghệ An vẫn là tỉnh trung bình, thiếu tính đột phá vượt trội so với nhiều tỉnh trên cả nước. Đặc biệt, chưa đáp ứng được mong muốn của Trung ương, của nhân dân.

Do vậy, rất cần sự đánh giá một cách thẳng thắn, trực diện những thành công, những tồn tại yếu kém, đặc biệt cần những giải pháp mới cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

PGS.TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó tổ tư vấn cho rằng: Đường lối đại hội nhiệm kỳ tới phải thể hiện được bước ngoặt của giai đoạn lịch sử, đặc biệt cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động như vũ bão, bên cạnh đó xung đột kinh tế giữa Trung – Mỹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam. Liệu đó có phải là cơ hội cho Nghệ An?

Nguồn lực chủ yếu hiện nay là đất đai nhưng giai đoạn tới đất đai có còn không? nguồn lực mới là gì? Cần đánh giá cho được thực lực doanh nghiệp Nghệ An, thực trạng KHCN, khoa học đã tác động và đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An hay chưa?.

"Một là cần giải pháp đột phá cho thành phố Vinh, tôi cho rằng đây là giải pháp quan trọng nhất, Vinh sẽ lan tỏa cho toàn tỉnh, là đầu tàu của tỉnh, là trung tâm trí tuệ, khoa học công nghệ, thứ hai là thị xã Hoàng Mai cần phát triển theo hướng cung ứng dịch vụ đẳng cấp cao", ông Trần Đình Thiên nói.

Trong khi đó, theo nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển - Tổ trưởng tổ tư vấn, Nghệ An lưu ý phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục bám vào nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị là Nghị quyết 26, trong đó đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Đó là kim chỉ nam cho Nghệ An phát triển.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Vinh đang thể hiện là thành phố lợi thế, phát triển mạnh mẽ. Vậy nguồn lực của Vinh hiện nay là người Nghệ An đầu tư hay người Nghệ An ở ngoài tỉnh đưa về. Và sắp tới Nghệ An sẽ tiếp tục có hành động, giải pháp gì để Vinh tiếp tục phát triển mạnh mẽ. 

Dẫn chứng từ tỉnh Bình Định vốn rất khó khăn về địa thế nhưng với khát vọng mãnh liệt của lãnh đạo, đã quyết tâm đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của thế giới, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, khu công nghiệp thông minh, nhà máy thông minh, ông Trương Trương Đình Tuyển cho rằng, Nghệ An là tỉnh "đi đầu dậy trước" nhưng tính chiến đấu của bộ máy của Nghệ An chưa hành động quyết liệt như truyền thống vốn có của người Nghệ Tĩnh.  

Thêm một ví dụ về quản lý, ông Trương Đình Tuyển cho rằng ngay như Bảo tàng Nghệ An rất hoang vắng, trong khi Bảo tàng Quảng Ninh mỗi năm thu được mấy tỷ đồng/năm bởi rất hấp dẫn và biết quảng bá.

Nói về con người xứ Nghệ, ông Hồ Xuân Hùng cũng cho rằng người Nghệ cần khắc phục được tính cục bộ, bảo thủ, tư tưởng ngại khó ngại khổ để lan tỏa, đóng góp nhiều hơn nữa vào xây dựng quê hương. Trong cải cách hành chính cần quyết liệt hơn nữa để đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. 

"Nghệ An cần đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số quốc gia, nhằm nâng cao năng suất lao động, vùng đồng bằng và thành phố có chính sách thu hút nguồn lực, vùng khó khăn nên có chính sách nhà nước đầu tư. Chuyển đổi số là một vấn đề sống còn trong quá trình phát triển. Vì vậy, Nghệ An cần tạo hệ sinh thái cho công nghệ số, tích hợp công nghệ và kỹ thuật số trước hết vào quá trình quản lý nhà nước và trong cung ứng dịch vụ", ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh. 

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, lãnh đạo Nghệ An sẽ lắng nghe, bổ sung vào văn kiện đại hội nhiệm kỳ tới các ý kiến của tổ tư vấn. Về đường lối, Bí thư Tỉnh ủy nhất trí với các gợi mở về giải pháp của các chuyên gia và cho rằng, Nghệ An sẽ phát huy nguồn lực con người xứ Nghệ, coi trọng công tác cán bộ, chọn đúng người làm đúng việc. Báo cáo chính trị nhiệm kỳ tới cần thể hiện quyết tâm chính trị cao và coi trọng đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ.

Nhiệm kỳ tới Nghệ An cũng sẽ khắc phục được tính dàn trải của nguồn lực, tính thiếu khả thi của nhiều đề án trong nhiệm kỳ qua và coi trọng điều kiện đảm bảo để thực hiện cho được chỉ tiêu đại hội nhiệm kỳ tới. Nghệ An sẽ bổ sung vào báo cáo chính trị đảm bảo nguồn lực, chính sách thực hiện.

Nguyễn Mai
Bạn đang đọc bài viết Chuyên gia kinh tế hiến kế để Nghệ An thành tỉnh giàu mạnh tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899