"Cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch đề ra"
TCDN - Cục Tài chính doanh nghiệp đánh giá, việc triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công...
Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2,87 triệu tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn vốn ngoài nước khoảng 300 nghìn tỷ đồng, chi từ nguồn cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước khoảng 248 nghìn tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch thu tiền từ bán bớt phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp do Trung ương quản lý năm 2021 là 40.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021 chỉ có 3 doanh nghiệp (không thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020) được phê duyệt phương án cổ phần hóa; các Tập đoàn, tổng công ty thực hiện thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng, trong đó có 03 doanh nghiệp thuộc kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện thoái vốn giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng.
"Việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn không đạt kế hoạch đề ra, trong 08 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ) là 366 tỷ đồng”, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay.
Theo đánh giá của Cục Tài chính doanh nghiệp, việc triển khai công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp trong năm 2021 là không khả thi do nhiều đơn vị vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý về thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước khi cổ phần hóa theo quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công; còn nhiều vướng mắc, tồn tại về tài chính phải xử lý.
Đồng thời do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến tình hình thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực, ảnh hưởng đến công tác xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án sử dụng đất để thực hiện cổ phần hóa, triển khai công tác đấu giá phần vốn nhà nước theo quy định.
Bên cạnh đó, việc triển khai cổ phần hóa, thoái vốn còn phụ thuộc vào thị trường, lựa chọn thời điểm bán cổ phần hợp lý để đem lại hiệu quả, do đó việc giao kế hoạch nộp tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp về NSNN phân bổ đều cho các năm là chưa sát thực tế, không đảm bảo tính khả thi.
Theo đó, Cục Tài chính doanh nghiệp kiến nghị việc giao kế hoạch thu NSNN từ nguồn cổ phần hóa, thoái vốn cần căn cứ thực tế triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, UBQLV, UBND các tỉnh, thành phố theo nguyên tắc chỉ tính vào kế hoạch thu vào NSNN đối với các doanh nghiệp đã cơ bản hoàn thành đến giai đoạn phê duyệt phương án cổ phần hóa, các doanh nghiệp đã được chuyển về SCIC để thực hiện thoái vốn để xác định số thu về NSNN từ công tác cổ phần hóa, thoái vốn; và kết quả công tác này cần được đánh giá theo cả giai đoạn (2021 - 2025) là 248.000 tỷ đồng như kế hoạch được Quốc hội thông qua.
Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát ở nhiều địa phương, trong đó có các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh (đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ), 2 địa phương này có số lượng doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch lớn (chiếm 60% kế hoạch cổ phần hóa còn lại của giai đoạn 2016 – 2020), nhiều doanh nghiệp trung ương thuộc danh mục thoái vốn cũng nằm tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; các đơn vị cung cấp dịch vụ định giá, tư vấn cũng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội nên chưa thể triển khai thực hiện công tác thẩm định giá, xác định giá trị doanh nghiệp, phần vốn nhà nước theo quy định.
Vì vậy, Cục Tài chính doanh nghiệp dự kiến nguồn thu về NSNN từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp trong năm 2021 không đạt kế hoạch.
Nguồn thu chủ yếu từ việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong đó tập trung thoái vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp đã bàn giao từ các Bộ, địa phương về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thực hiện thoái vốn theo Quyết định số 908/QĐ-TTg ngày ngày 29/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn theo Thông báo số 281/TB-VPCP ngày 07/9/2016 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước.
Căn cứ thực tế diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay, Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng trong năm 2021 sẽ theo tình huống dịch bệnh kéo dài đến hết năm 2021. Do phong tỏa, giãn cách tại một số địa phương lớn nên việc triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn không thực hiện được. Theo đó kế hoạch thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Trung ương nộp về NSNN trong năm 2021 không đạt 40.000 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899