Ví điện tử của Apple, Google vào tầm ngắm của giới chức Australia
TCDN - Chính phủ Australia đang xem xét khả năng siết chặt hơn các quy định liên quan tới dịch vụ ví điện tử của những tập đoàn công nghệ như Apple và Google.
Ông Josh Frydenberg, Bộ trưởng Ngân khố Australia, thông báo giới chức sẽ xem xét kỹ việc đưa ra các quy định và khuyến nghị mới, sau khi nhận báo cáo do chính phủ ủy quyền về việc tìm hiểu liệu hệ thống thanh toán của xứ chuột túi có thể theo kịp những tiến bộ công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của người dùng hay không.
Các dịch vụ ví điện tử như Apple Pay, Google Pay và WeChat Pay của Trung Quốc, vốn đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, hiện không được chỉ định là hệ thống thanh toán của Australia, nên nằm ngoài hệ thống quản lý.
"Nếu không hành động để cải cách khuôn khổ hiện tại, các tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ quyết định tương lai hệ thống thanh toán của chúng ta, vốn là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước", ông Frydenberg cảnh báo.
Báo cáo của Australia khuyến nghị chính phủ trao quyền cho các doanh nghiệp công nghệ làm nhà cung cấp thanh toán, có chính sách rõ ràng với các ví điện tử. Chính phủ và ngành tài chính cũng được khuyến nghị cùng nhau thiết lập một kế hoạch chiến lược tổng thể cho hệ sinh thái thanh toán.
Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA), cơ quan chịu trách nhiệm chỉ định nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, báo cáo rằng thanh toán qua ví điện tử đã tăng lên 8% vào năm 2019, từ mức 2% của năm 2016.
Commonwealth Bank of Australia ước tính các giao dịch ví điện tử tăng hơn gấp đôi trong năm tài chính tính đến tháng 3/2021, lên 2,1 tỷ AUD. Họ kêu gọi các nhà quản lý giải quyết "các vấn đề cạnh tranh" và xem xét các tác động an toàn của việc sử dụng ví điện tử.
Hồi đầu tháng 8, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cũng đã kêu gọi các cơ quan giám sát tài chính toàn cầu khẩn trương nắm bắt ảnh hưởng ngày càng tăng của các đại gia công nghệ và lượng dữ liệu khổng lồ mà những đế chế như như Google, Facebook, Amazon và Alibaba đang kiểm soát.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899