Cơ sở lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

21/04/2022, 13:46

TCDN - Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang là chủ đề được nhiều nhà kinh tế quan tâm nghiên cứu. FDI được xem là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trên thế giới.

2-1

Tóm tắt

Bài viết hướng đến lược khảo lý thuyết và thiết lập cơ sở lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, việc quản lý thuế (QLT) nhằm nâng cao tính tuân thủ đối với các doanh nghiệp FDI chưa thật sự hiệu quả tại nhiều quốc gia. Với phạm vi hoạt động toàn cầu và mạng lưới các bên liên kết, các chiến lược tránh thuế tinh vi, một số doanh nghiệp FDI đã khai thác các lỗ hổng và sự không phù hợp trong chính sách thuế ở các quốc gia để trục lợi về thuế. Vì vậy, việc thiết lập cơ sở lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI để làm nền tảng cho các phân tích thực trạng tại Việt Nam là điều cần thiết.

1. Giới thiệu

Quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang là chủ đề được nhiều nhà kinh tế quan tâm nghiên cứu. FDI được xem là một trong những chất xúc tác quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc QLT đối với các DN FDI chưa thật sự hiệu quả tại nhiều quốc gia đang phát triển và đưa ra nhận định là các quốc gia đang phát triển ít có kinh nghiệm thực tiễn trong việc ứng phó với các chiến lược hoạch định thuế tinh vi của các tập đoàn đa quốc gia (Multinational Enterprises - MNEs) . Với phạm vi hoạt động toàn cầu và mạng lưới các bên liên kết rộng lớn, các chiến lược tránh thuế tinh vi thông qua việc thành lập các DN FDI đã khai thác các lỗ hổng và sự không phù hợp trong chính sách thuế của các quốc gia để trục lợi về thuế (OECD, 2017). Với những chiến lược tránh thuế này, các MNEs càng nhận được nhiều lợi ích thì tổn thất thuế của các quốc gia càng lớn.

Thực tế cho thấy, hiệu quả QLT đối với DN FDI tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Cùng với vốn đầu tư trong nước, FDI dần trở thành nguồn lực quan trọng đóng góp vào những bước phát triển của nền kinh tế Việt Nam những năm qua. Tuy nhiên, hiệu quả QLT và khai thác nguồn thu đối với DN FDI ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, chưa kiểm soát tốt việc tuân thủ thuế của các doanh nghiệp này. Nhiều DN FDI ở Việt Nam khai báo lỗ liên tục trong nhiều năm mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế vẫn mở rộng, làm ngân sách nhà nước (NSNN) thất thu thuế lớn và gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng giữa DN FDI và các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, một động cơ khác là xuất phát từ mối quan hệ giữa FDI và số thu thuế. FDI là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Cùng với xu hướng tự chủ tài chính, các chính quyền địa phương đang từng bước cải thiện, nâng cao khả năng thu hút FDI hướng đến mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy, các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với các DN FDI vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI phát triển. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa hai mục tiêu này là thử thách lớn và rất cần được nghiên cứu chuyên sâu.

Từ những nhận định trên, bài viết hướng đến thiết lập cơ sở lý luận về QLT đối với DN FDI. Kỳ vọng nghiên cứu sẽ đưa ra bức tranh nhiều khía cạnh về QLT đối với DN FDI.

2. Cơ sở lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI

2.1 Quản lý thuế

Điểm luận lý thuyết cho thấy có nhiều cách hiểu khác nhau về QLT. Một cách khái quát, QLT là quá trình nhà nước sử dụng hệ thống các công cụ và phương pháp thích hợp để đảm bảo sự tuân thủ của đối tượng QLT nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.

QLT đóng vai trò then chốt, quyết định hiệu quả thu thuế. Chất lượng QLT đảm bảo số thuế thu được đúng quy định tập trung, thống nhất, ổn định, đảm bảo nguồn thu từ thuế phục vụ cho nguồn chi tiêu của chính phủ. QLT hiệu quả đảm bảo sự tuân thủ thuế của người nộp thuế, hướng đến tinh thần thượng tôn pháp luật. Ngoài ra, thông qua thực tiễn QLT, các phản hồi góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về chính sách thuế cũng như cách thức QLT.

Về nội dung QLT, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định mười một (11) nhiệm vụ QLT chính yếu, như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế, kiểm tra, thanh tra xử phạt đến hợp tác quốc tế về thuế. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ QLT này, các cơ quan QLT cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:

(1) Thượng tôn pháp luật: Các nội dung của QLT đều được luật hóa để đảm bảo sự thống nhất, toàn diện. Pháp luật không chỉ quy định quy trình, cách thức thực hiện các nghiệp vụ thuế, các giao dịch thuế giữa cơ quan QLT với người nộp thuế mà còn giữa các bộ phận trong cơ quan thuế cũng như nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền, các tổ chức, đơn vị và cá nhân.

(2) Công khai, minh bạch: Để đảm bảo nguyên tắc này, các quy định về QLT phải cụ thể, dễ hiểu, thống nhất và toàn diện.

(3) Cơ quan QLT, các tổ chức, cá nhân có liên quan đều có trách nhiệm tham gia QLT theo quy định của pháp luật. Cơ quan QLT và các bên có liên quan đều phải tham gia, thực hiện đầy đủ, bắt buộc các nội dung QLT.

(4) Hướng đến sự hiệu quả: các phương pháp QLT cần hướng đến sự hiệu quả, đảm bảo khai thác nguồn thu được số thu thuế cao nhất có thể theo đúng quy định. Ngoài ra, sự hiệu quả trong QLT còn được hiểu là chi phí hành thu là thấp nhất có thể. Theo đó, cải cách thủ tục hành chính về QLT cần hướng đến ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, minh bạch, công bằng.

(5) Phù hợp với các chuẩn mực, quy tắc và thông lệ quốc tế về thuế: khi nền kinh tế ngày càng hội nhập quốc tế, cách thức QLT của mỗi quốc gia cần có những cải cách để phù hợp với những chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các quy tắc thuế quốc tế.

(6) Thúc đẩy người nộp thuế có ý thức chủ động tự tuân thủ thuế: các cuộc cải cách về QLT hiện đại thường hướng đến điều chỉnh hành vi của người nộp thuế, tạo điều kiện cho họ chủ động tuân thủ nghĩa vụ thuế.

2.2 Quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI

2.2.1 Điểm đặc trưng của doanh nghiệp FDI ở góc độ quản lý thuế

Lược khảo nghiên cứu nghiên cứu cho thấy, DN FDI có những điểm đặc trưng, rất khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác. Các đặc điểm chính của DN FDI ở góc độ QLT có thể kể đến như sau:

(1) DN FDI là doanh nghiệp được thành lập tại một quốc gia, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia đó cấp phép thành lập.Tuy nhiên, các DN FDI thường là thành viên của các tập đoàn đa quốc gia. Đặc điểm này khiến cho mối liên kết giữa các DN FDI và các thành viên khác cùng một MNEs tương đối chặt chẽ và phức tạp.

(2) DN FDI được tổ chức quản lý chịu sự chi phối gián tiếp của luật pháp nước cư trú (nước đầu tư) nhưng cũng chịu sự quản lý của nước sở tại (nước nhận đầu tư) nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các công ty này đã có kinh nghiệm lâu năm kinh doanh trên thị trường quốc tế nên có rất nhiều những biện pháp tinh vi đối phó với cơ quan chức năng.

(3) Các DN FDI thường sử dụng nguồn nguyên liệu, dây chuyền công nghệ từ chính quốc nên rất phức tạp trong việc xác định được giá trị thị trường trong quá trình góp vốn liên doanh ảnh hưởng đến việc xác định chi phí.

(4) Sản phẩm được sản xuất ra của DN FDI thường bị chi phối bởi công ty mẹ nên gây cản trở cho các cơ quan chức năng trong việc xác định doanh thu.

Như vậy, ở khía cạnh QLT, so với các doanh nghiệp nội địa, các điểm đặc trưng của các DN FDI có thể tóm tắt là phạm vi hoạt động rộng lớn, chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới các bên liên kết. Vì vậy, công tác QLT đối với đối tượng doanh nghiệp này có nhiều khác biệt và cần được nghiên cứu chuyên sâu.

2.2.2 Quản lý thuế đối với doanh nghiệp FDI

Từ những phân tích điểm đặc trưng của DN FDI, công tác QLT đối với DN FDI đối mặt với nhiều thử thách hơn so với QLT các đối tượng nộp thuế khác. Theo đó, công tác QLT đối với DN FDI cần chú trọng các nội dung sau:

(1) Thiết lập khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn nhằm nhận biết, kiểm soát và hạn chế các hành vi chuyển lợi nhuận của các DN FDI.

a. Nhận dạng hoạt động chuyển lợi nhuận của các DN FDI

Việc thiết lập khung pháp lý và các văn bản hướng dẫn nhằm nhận biết, xác định các hành vi chuyển lợi nhuận của các DN FDI là nội dung đầu tiên cần được chú ý đến. Những dấu hiệu chuyển lợi nhuận phổ biến của các DN FDI có thể được tóm tắt như: Báo cáo quyết toán thuế thua lỗ kéo dài song vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh; Tỷ suất lợi nhuận trên báo cáo thuế thường thấp hơn bình quân chung của ngành; Các giao dịch với các bên có mối quan hệ liên kết chiếm trên 50% tổng doanh thu hoặc chi phí; Giá bán thấp hơn giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng cao bất thường…

b. Quy định rõ các phương pháp định giá chuyển giao và phương pháp thẩm định

Để kiểm soát và hạn chế các hành vi chuyển lợi nhuận của các DN FDI, việc xác định giá trị thị trường của giao dịch là điều cần thiết, có năm (5) phương pháp phổ biến để xác định giá trị thị trường của các giao dịch liên kết, bao gồm: Phương pháp định giá theo so sánh giá với giao dịch độc lập CUP; Phương pháp định giá theo giá bán lại RSM; Phương pháp định giá bằng cách cộng thêm lợi nhuận CPM; (4) Phương pháp định giá bằng cách phân chia lợi nhuận PSM; (5) Phương pháp định giá theo so sánh lợi nhuận ròng TNMM.

c. Xây dựng các chế tài kiểm tra và xử lý nếu xảy ra các vi phạm về pháp luật kiểm soát chuyển giá

Sau khi nhận dạng được các bên liên kết, giao dịch liên kết và xác định được giá trị thị trường của các giao dịch liên kết, các biện pháp kiểm tra, thanh tra, chế tài cần được quy định rõ trong văn bản pháp luật.

Các quốc gia cần thiết lập khung pháp lý về cách thức kiểm tra giao dịch; biện pháp thanh tra thuế cũng như việc xử lý, chế tài các vi phạm phát sinh như truy thu thuế và các hình thức xử phạt thích ứng, thỏa đáng, đủ sức răn đe, giảm thiểu và ngăn ngừa hành vi chuyển giá.

(2) Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá

Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá là biện pháp được OECD và các tổ chức quốc tế đặc biệt khuyến nghị đối với các quốc gia đang phát triển. Cơ sở dữ liệu về giá của giao dịch là căn cứ quan trọng để so sánh, định giá giao dịch giữa các bên liên kết theo giá trị thị trường. Các dữ liệu cần được thu thập trong khoảng thời gian tương đối dài để hạn chế những biến động giá do những biến động của nền kinh tế hoặc biến động giá do chu kỳ kinh doanh.

(3) Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia

Như đã phân tích, các giao dịch phát sinh có thể là giữa các DN FDI thành viên ở những quốc gia khác nhau. Vì vậy, việc thiết lập cơ chế hợp tác giữa các quốc gia nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin giữa các quốc gia là điều cần thực hiện.

Sự hợp tác này giúp cơ quan QLT ở các quốc gia xác định được liệu giá trị giao dịch mà các DN FDI thực hiện có phù hợp với giá thị trường hay không. Đồng thời, việc hợp tác giữa các quốc gia còn giảm những lỗ hổng về quy tắc thuế quốc tế, tránh được tình trạng đánh thuế trùng cũng như hạn chế động cơ tránh thuế của các DN FDI.

(4) Xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn cao để QLT đối với DN FDI

Nguồn nhân lực đủ năng lực chuyên môn để QLT đối với DN FDI được xem là vấn đề lớn với nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển. Như đã phân tích, thế mạnh của DN FDI là quy mô toàn cầu và kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết lập các chiến lược tránh thuế và thực tế cho thấy, có nhiều kế hoạch, cách thức tránh thuế rất phức tạp và tinh vi. Ngoài ra, đặc điểm của công tác QLT đòi hỏi chuyên môn sâu. Vì vậy, khâu tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức thuế , đặc biệt là công tác QLT đối với DN FDI cần đặc biệt chú trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cần thực hiện một cách hiệu quả, có kế hoạch, phù hợp và thường xuyên và có sự phối hợp quốc tế trong đào tạo.

(5) Tăng cường các biện pháp kiểm soát và thanh tra hoạt động chuyển lợi nhuận của DN FDI

Mục đích của kiểm soát và thanh tra hoạt động chuyển lợi nhuận của DN FDI là nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý hiệu quả đối với các hoạt động chuyển lợi nhuận trái pháp luật của các DN FDI. Đây là các biện pháp cần thiết, hữu hiệu và khả thi đối với cơ quan QLT ở các quốc gia. Kiểm soát và thanh tra hoạt động chuyển lợi nhuận hiệu quả trực tiếp làm giảm các hoạt động này, từ đó, hạn chế thất thu thuế cho NSNN cũng như góp phần xây dựng thị trường cạnh tranh lành mạnh, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật.

3. Tổng quan các công trình nghiên cứu trước

3.1 Điểm luận các công trình nghiên cứu nước ngoài

Lược khảo các nghiên cứu trước cho thấy, mối quan hệ giữa QLT đối với DN FDI được phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Các hướng nghiên cứu có thể được khái quát theo những nhóm chính dưới đây:

3.1.1 Các nghiên cứu phân tích các chiến lược tránh thuế của các DN FDI cũng như các thách thức trong công tác QLT đối với DN FDI.

Nghiên cứu về các chiến lược tránh thuế tinh vi của các MNEs thông qua việc thành lập các DN FDI tại các quốc gia đang phát triển đã đánh giá hoạt động liên kết của các DN FDI, từ đó khuyến nghị các quốc gia thiết lập cách thức QLT phù hợp, đặc biệt là trên phương diện đa quốc gia.

Báo cáo của OECD (2013) nhấn mạnh sự nghiêm trọng của các chiến lược chuyển lợi nhuận của các MNEs dẫn đến xói mòn cơ sở thuế của các quốc gia và kêu gọi của việc sự hợp tác về thuế giữa các quốc gia nhằm chống lại các chiến lượctránh thuế này. Qua đó, OECD (2013) đề xuất bộ 15 hành động chống xói mòn thuế và chuyển lợi nhuận (15 Actions Anti-BEPS). Những bộ hành động này bao hàm nhiều khía cạnh khác nhau từ cơ chế hợp tác, kiểm soát lãi vay, tài sản vô hình đến các thỏa thuận về thuế. Việc các quốc gia cùng đồng thuận hợp tác, thực hiện đồng bộ các hành động trên sẽ giúp hạn chế BEPS hiệu quả, đảm bảo nguồn thu và cơ sở tính thuế của mỗi quốc gia.

Báo cáo của OECD (2017) trình bày những nguyên tắc chính yếu nhằm xác định các bên có mối quan hệ liên kết, bản chất của giao dịch liên kết cũng như đưa ra các chỉ dẫn để xác định giá trị đúng (giá trị thị trường) của các giao dịch liên kết mà MNEs thực hiện, từ đó, xác định đúng nghĩa vụ thuế.

Một nghiên cứu khác thực hiện khảo sát các chuyên viên hoạch định thuế của 219 MNEs về các chiến lược tránh thuế đưa ra kết quả khảo sát cho thấy sự đa dạng cũng như sự phức tạp của chiến lược tránh thuế tinh vi này trong thực tiễn và nêu lên những thách thức đối với công tác QLT tại các quốc gia.

3.1.2 Một số nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các chiến lược tránh thuế tinh vi của các DN FDI đến tổn thất thuế của các quốc gia.

Nghiên cứu các chiến lược tránh thuế được thực hiện bởi các DN FDI chỉ ra rằng là nguyên nhân dẫn đến việc rò rỉ đáng kể các nguồn thu từ thuế trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, hai (02) nghiên cứu vận dụng dữ liệu báo cáo của IMF và sử dụng các phương pháp dự báo đã ước tính về thiệt hại số thu thuế toàn cầu do các chiến lược tránh thuế của các MNEs gây ra vào khoảng 500 tỷ USD hàng năm. Nghiên cứu các trường hợp một số quốc gia Đông Nam Á cũng đưa ra nhận định tương tự. Các quốc gia Đông Nam Á ngày càng hội nhập, hợp tác với nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, ở góc độ thuế, các quốc gia này còn duy trì các chính sách thuế khác biệt. Các hiệp định về thuế còn hạn chế và lạc hậu . Theo đó, các chiến lược tránh thuế tinh vi của các MNEs khai thác những khác biệt này và những điểm chưa phù hợp trong luật thuế của các nước để giảm thiểu gánh nặng thuế, dẫn đến làm thất thu NSNN tại các quốc gia này.

3.1.3 Một số nghiên cứu hướng đến phân tích thực trạng QLT đối với DN FDI tại một trường hợp nghiên cứu cụ thể.

Nghiên cứu đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu trước đây về QLT đối với doanh nghiệp nói chung và DN FDI nói riêng tại Trung Quốc , đề cập đến thực trạng quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) còn hạn chế đối với các MNEs tại thị trường Trung Quốc với các đặc trưng là quyền sở hữu của Chính phủ và tình trạng tham nhũng.

Với dữ liệu vi mô hơn, nghiên cứu mối quan hệ giữa lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài và số thuế TNDN phải nộp của các DNFDI tại Malaysia . Kết quả cho thấy khả năng các DN FDI khai thác quy mô hoạt động quốc tế của họ để tránh thuế ở cả nước sở tại và nước mẹ. Do đó, các nền kinh tế mới nổi như Malasysia cần phải xem xét thu nhập toàn cầu của các DN FDI để QLT hiệu quả hơn. Tương tự, Nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của các thông lệ quốc tế về thuế đối với việc tránh thuế cũng như phân tích hiệu quả QLT đối với các DN FDI tại Malaysia và Indonesia . Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm còn bất cập trong thông lệ quốc tế về thuế là lỗ hổng lớn để các DN FDI khai thác nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế tại hai quốc gia nghiên cứu.

3.2 Điểm luận các công trình nghiên cứu trong nước

Tương tự, các công trình nghiên cứu trước ở Việt Nam về QLT đối với DN FDI cũng rất đa dạng.

Trong một nghiên cứu phân tích thực trạng trốn thuế và tránh thuế của các DN FDI tại Việt Nam ; tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm kiểm soát và hạn chế các hành vi trốn thuế và tránh thuế của các DN FDI tại Việt Nam.Tương tự, bên cạnh việc đánh giá cao những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thu hút dòng vốn FDI để phát triển đất nước trong những năm qua, cùng với đó là xu hướng ngày càng gia tăng việc sử dụng các chiến lược tránh thuế của các DN FDI . Dù vậy, các tác giả chưa chú trọng phân tích ở góc độ cơ quan QLT và đề xuất giải pháp cụ thể về QLT đối với loại hình doanh nghiệp này tại Việt Nam.

Về phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn về các hoạt động chuyển lợi nhuận của các DN FDI tại Việt Nam, phân tích vấn đề quản lý và kiểm soát của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp FDI trong bối cảnh hội nhập cũng như phân tích thực trạng chuyển lợi nhuận của các DN FDI tại Việt Nam thì các nghiên cứu này cũng có phạm vi nghiên cứu là trên toàn quốc. Theo đó, các nghiên cứu gặp khó khăn nhất định trong việc đề xuất các giải pháp phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương.

Ngoài ra, các nghiên cứu về chủ đề này ở địa phương còn khiêm tốn, điển hình là nghiên cứu với trường hợp Tỉnh Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội . Trong đó, các tác giả chú trọng nghiên cứu những hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong QLT đối với các DN FDI tại các địa phương hiện nay. Các nghiên cứu ở cấp độ địa phương giúp cho việc đề xuất các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương.

3.3 Đánh giá tổng quan các công trình nghiên cứu trước

Như vậy, lược khảo các nghiên cứu trước cho thấy, các công trình nghiên cứu trước đã nghiên cứu, thảo luận các vấn đề lý luận cơ bản về QLT nói chung và một phần là QLT đối với DN FDI nói riêng. Các nghiên cứu trước đã phân tích thực trạng QLT đối với DN FDI tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, điểm luận nghiên cứu cho thấy, chủ đề này vẫn còn những khoảng trống nghiên cứu cần được làm sáng tỏ. Một cách khái quát, các khoảng trống nghiên cứu này có thể được tóm tắt như sau:

Thứ nhất, về mặt lý luận, đa phần các nghiên cứu trước chưa nêu sự khác biệt giữa QLT nói chung và QLT đối với DN FDI. Các phân tích trên cho thấy, DN FDI có những điểm đặc trưng về mặt QLT. Các chiến lược tránh thuế của họ ngày càng tinh vi và khó kiểm soát. Vì vậy, việc QLT hiệu quả đối với những DN FDI rất khó khăn, phức tạp và khác biệt so với QLT các DN trong nước.

Thứ hai, về phạm vi nghiên cứu, chưa có nhiều nghiên cứu về QLT đối DN FDI ở từng địa phương cụ thể, điển hình chỉ có hai (02) nghiên cứu ở Tỉnh Vĩnh Phúc (2016) và ở Thủ đô Hà Nội (2020). Từng địa phương có những đặc trưng riêng như khả năng thu hút vốn FDI, cơ cấu DN FDI, trình độ và phân bố nguồn nhân lực ngành thuế,… Vì vậy, các nghiên cứu ở cấp độ địa phương giúp cho việc đề xuất các giải pháp cụ thể , phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương.

Thứ ba, về mặt giải pháp, phần lớn các nghiên cứu trước chưa xem xét một cách tương xứng việc cân bằng giữa mục tiêu QLT hiệu quả và mục tiêu thu hút dòng vốn FDI của địa phương. Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLT đối với các DN FDI vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI phát triển. Tuy nhiên, việc cân bằng giữa hai mục tiêu này là thử thách lớn và rất cần được nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt là ở những địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư FDI như TP.HCM.

4. Kết luận

Có thế nói, FDI là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với đó là xu hướng ngày càng gia tăng việc sử dụng các chiến lược tránh thuế của các DN FDI. Với những điểm đặc trưng của DN FDI, công tác QLT đối với đối tượng DN này có nhiều khác biệt và cần được nghiên cứu chuyên sâu. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan QLT, cần có những biện pháp cụ thể, có sự tính toán chặt chẽ và lâu dài.

Theo đó, việc thiết lập cở lý luận, lược khảo các nghiên cứu trước và nhận dạng các khoảng trống nghiên cứu về chủ đề nầy là rất cần thiết. Đây sẽ là nền tảng lý thuyết để phân tích trạng QLT đối với loại hình doanh nghiệp này ở Việt Nam, đặc biệt là các nghiên cứu ở cấp độ địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Dương Văn An (2016), Chuyển giá trong doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

2. Nguyễn Tuấn Anh (2020), Quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Thương mại.

ThS. Trần Ngọc Linh

Cục thuế TP Hồ Chí Minh

Tạp chí in số tháng 4/2022
Bạn đang đọc bài viết Cơ sở lý luận về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan