Cơn bĩ cực của thị trường chứng khoán đã qua hay chưa?

11/01/2023, 19:49
báo nói -

TCDN - Thị trường chứng khoán thế giới khởi đầu 2023 tích cực nhưng nhà đầu tư còn e ngại suy thoái và xu hướng tăng lãi của Fed.

Sau cơn ác mộng năm 2022, các nhà đầu tư thua lỗ kỳ vọng cơ hội lấy lại khoản lỗ sau khi rút ra nhiều bài học từ thị trường chứng khoán. Câu hỏi mà họ quan tam là tài sản cần phân bổ thế nào, các ngành nào nên ưu tiên hoặc tránh xa, và đâu là những biến số cần theo dõi.

Các nhà quản lý vốn chuyên nghiệp ngày càng đau đầu hơn khi tìm ra cách ngăn những khách hàng tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán. Nhưng một câu hỏi lớn là viễn cảnh tồi tệ nhất đã qua hay chưa?

Về mặt kinh tế,câu trả lời rõ ràng là thị trường chứng khoán năm nay sẽ khắc nghiệt. Kristalina Georgieva, Giám đốc IMF, cảnh báo vào ngày 1/1 rằng một phần ba nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái vào năm 2023. Suy thoái có lẽ đã bắt đầu ở khu vực đồng euro và Anh. Trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế gần đây do Đại học Chicago và Financial Times thực hiện, 85% người tham gia cho rằng nước Mỹ sẽ suy thoái sau Anh và khu vực đồng euro, trước khi năm 2023 kết thúc.

Wall Street

Nhưng dự đoán này không chắc chắn có nghĩa thị trường chứng khoán sẽ tắm máu, mà thậm chí còn ngược lại. Về lý thuyết, các thị trường luôn hướng tới tương lai và nỗi lo suy thoái vốn đã rình rập thế giới trong phần lớn năm 2022.

JPMorgan Asset Management đồng ý giới đầu tư sẽ thấy một cuộc suy thoái nhưng giá cổ phiếu trên thực tế sẽ kết thúc năm 2023 cao hơn so với đầu năm. Không riêng họ lạc quan. Goldman Sachs cho rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng phục hồi vào cuối năm. Deutsche Bank dự đoán S&P 500 sẽ kết thúc năm cao hơn 17% so với hiện tại.

Nếu năm nay lặp lại như 2022, với tổn thất nặng nề cho cả cổ phiếu và trái phiếu, thì đó sẽ là một điều bất thường. Bởi lẽ thị trường hiếm khi đi xuống hai năm liên tiếp. Lần cuối cùng S&P 500 gặp cảnh này là hai thập kỷ trước trong thời kỳ bong bóng dotcom bùng nổ. Trái phiếu năm ngoái mất giá là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980. Năm nay, Fed khó "diều hâu" đến mức đó.

Mặc dù vậy, có nhiều lý do để tin rằng còn nhiều thách thức ở phía trước. Đầu tiên là cổ phiếu, so với thu nhập cơ bản của chúng, vẫn đắt đỏ. Bất chấp sụt giảm vào năm ngoái, P/E của các cổ phiếu "tăng trưởng" - tức các công ty hứa hẹn lợi nhuận lớn trong tương lai - chỉ về bằng mức năm 2019.

Đây vẫn là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, đạt được sau một thập kỷ thị trường giá lên. Các cổ phiếu "giá trị" trông hấp dẫn hơn. Nhưng khi suy thoái bắt đầu, cả hai đều dễ bị hạ thấp triển vọng thu nhập.

Hơn nữa, mức định giá ngày nay đã đạt được trong một giai đoạn bất thường, khi mà các ngân hàng trung ương ồ ạt bơm thanh khoản vào thị trường thông qua nới lỏng định lượng (QE). Bằng cách mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới được tạo ra, Fed và những tổ chức khác đã làm giảm lợi suất và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn cổ phiếu.

Bây giờ các chương trình QE này đang bị đảo ngược. Hệ quả là các chính phủ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà đầu tư tư nhân để nắm giữ trái phiếu của họ. Trong năm tài chính 2022-2023, Bộ Tài chính Mỹ có thể phải vay các nhà đầu tư gần gấp đôi số tiền đã vay trong mỗi hai năm trước đại dịch và gấp bốn lần mức trung bình trong 5 năm trước đó.

Ngay cả khi các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất ngắn hạn, tình trạng dư thừa này có thể khiến giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng. Cũng giống như năm 2022, cổ phiếu do đó sẽ kém hấp dẫn hơn khi so sánh.

Lý do cuối cùng cho sự ảm đạm là sự khác biệt giữa các nhà kinh tế và nhà đầu tư. Mặc dù các chuyên gia nghiên cứu đang dự đoán về suy thoái kinh tế, nhiều người vẫn đánh cược vào hy vọng có thể tránh được. Các thị trường kỳ vọng lãi suất chuẩn của Fed sẽ đạt mức cao nhất dưới 5% trong nửa đầu năm nay, trước khi bắt đầu giảm xuống. Nhưng lãnh đạo Fed thì lại không nghĩ vậy và cho rằng lãi suất sẽ kết thúc năm trên 5%.

Thực tế, thị trường chứng khoán trên toàn thế giới đã bắt đầu năm 2023 trên một nền tảng tích cực, nhờ các dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm ở Mỹ và châu Âu. Các nhà đầu tư hy vọng rằng sự chậm lại này sẽ khuyến khích các ngân hàng trung ương tăng lãi suất với mức nhỏ, gây ít thiệt hại hơn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, các quỹ đầu tư cho rằng Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ muốn thấy lạm phát giảm liên tục trước khi họ xem xét tạm dừng các nỗ lực thắt chặt tiền tệ. Các nhà đầu tư cho biết giá hàng hóa và dịch vụ ngoài thị trường năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng quá nhanh, khiến Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu không hài lòng.

Edward Park, Giám đốc đầu tư của Brooks Macdonald (London), cho rằng có một rủi ro là một cuộc suy thoái khó chịu. "Thị trường chứng khoán đang hướng tới một dải đất hẹp, nơi lạm phát giảm và tăng trưởng vẫn ổn - nhưng đủ kém để kích thích Fed thay đổi hướng đi của mình", chuyên gia đánh giá.

Theo The Economist, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu nhanh hơn dự kiến của Fed, hoặc Fed sẽ không nỡ gây ra tổn thất cần thiết để hạ nó xuống. Tất nhiên, trường hợp nào cũng có khả năng. Nhưng các thị trường đã đánh giá thấp sự hiếu chiến của Fed trong phần lớn thời gian của năm 2022. Nếu điều này lặp lại, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn nữa với các nhà đầu tư.

Tùng Lâm/wsj
Bạn đang đọc bài viết Cơn bĩ cực của thị trường chứng khoán đã qua hay chưa? tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan