Công nghiệp hỗ trợ: Tăng thu mua nguyên liệu, vẫn nhập khẩu linh kiện chính

15/08/2019, 08:48

TCDN - Việt Nam được đánh giá là nơi sản xuất hiệu quả, là thị trường hấp dẫn đối với ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, tỷ lệ đáp ứng nhu cầu thu mua thấp khiến doanh nghiệp Nhật Bản phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện chính từ nước ngoài.

201908140400CHc8e7ff00f05a17044e4b

Theo đánh giá của ông Hronobu KITAGAWA, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) - Văn phòng Hà Nội tại Lễ khai mạc Triển lãm về máy móc và công nghệ cho ngành công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam (Vietnam Manufacturing Expo -VME 2019) và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 8 (Vietnam - Japan Supporting Industries Exhibition - SIE 2019)”, trong những năm qua, sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam đã gia tăng một cách mạnh mẽ.

Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 630 dự án. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay.

Kết quả khảo sát hằng năm của JETRO đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam cho thấy, có gần 70% doanh nghiệp trong đối tượng khảo sát trả lời rằng “mong muốn mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam”. Điều này cho thấy rằng các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá Việt Nam vẫn là nơi sản xuất hiệu quả và là thị trường đầy hấp dẫn.

Hơn nữa, năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của các nhà cung cấp Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện. Theo đó, tỷ lệ thu mua nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng, vật tư của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng lên đáng kể từ năm 2010 đến nay, và tỷ lệ này đã vượt qua Malaysia vào năm 2018, nhưng còn thấp hơn so với một số nước láng giếng như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Do vậy, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu phần lớn các linh kiện chính từ nước ngoài.

Để giải quyết vấn đề này, việc tạo cơ hội cho các bên được kết nối kinh doanh với nhau, đặc biệt là tạo cơ hội cho các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng tiềm năng của Việt Nam được gặp gỡ, trao đổi với các nhà chế tạo, lắp ráp của Nhật Bản, như triển lãm này là thực sự cần thiết. Qua đó, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Trong tương lai không xa, Hà Nội và các vùng lân cận sẽ trở thành một trong số những công xưởng sản xuất quan trọng nhất của khu vực ASEAN trong tương lai không xa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam vẫn còn không ít những hạn chế về năng lực quản lý và tổ chức sản xuất công nghệ kỹ thuật còn yếu, khả năng tự cung ứng các sản phẩm hỗ trợ trong nước còn nhiều bất cập. Hai triển lãm sẽ tạo ra các cơ hội kết nối và thúc đẩy giao thương giữa các nhà cung cấp thiết bị, máy móc công nghệ với các nhà sản xuất để các bên có thể cùng nhau thảo luận về khả năng hợp tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là DNNVV tại Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp hỗ trợ và sản xuất phụ tùng công nghiệp.

Thanh Hải
Bạn đang đọc bài viết Công nghiệp hỗ trợ: Tăng thu mua nguyên liệu, vẫn nhập khẩu linh kiện chính tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899