Công ty Bảo hiểm PVI lên tiếng về sự cố rơi trực thăng tại Hạ Long

07/04/2023, 20:48
báo nói -

TCDN - Bảo hiểm PVI đang phối hợp với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và các cơ quan chức năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm trong sự cố rơi máy bay tại vịnh Hạ Long theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật.

Tổng công ty Bảo hiểm PVI (PVI) vừa có thông cáo báo chí liên quan vụ trực thăng Bell-505 rơi khi chở khách ngắm cảnh vịnh Hạ Long làm 4 hành khách và 1 phi công thiệt mạng vào ngày 5/4.

Theo đó, đơn vị này cho biết liên danh Bảo hiểm PVI - Bảo Việt - MIC là bên cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các máy bay của Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) và Bảo hiểm PVI là nhà bảo hiểm gốc đứng đầu trong liên danh.

Chương trình bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm thân máy bay, bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng đối với hành khách và bên thứ ba, bảo hiểm tai nạn cho phi công.

PVI chịu trách nhiệm bảo hiểm vụ trực thăng Bell-505 rơi tại vịnh Hạ Long.

PVI chịu trách nhiệm bảo hiểm vụ trực thăng Bell-505 rơi tại vịnh Hạ Long.

Với vai trò nhà bảo hiểm gốc đứng đầu, Bảo hiểm PVI cho biết đã ngay lập tức có mặt tại hiện trường, tích cực phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và các cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm theo đúng quy định của hợp đồng bảo hiểm và pháp luật hiện hành.

Trước đó, một đơn vị điều phối tour trực thăng ngắm cảnh vịnh Hạ Long cho biết, mức cam kết bồi thường thiệt hại cho các sự cố hàng không lên tới 30 triệu USD/sự vụ (tương đương 703 tỷ đồng). Mức bồi thường này dành cho tối đa 4 hành khách, không bao gồm phi công.

Liên quan vấn đề này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản yêu cầu báo cáo tình hình thiệt hại và bồi thường bảo hiểm. Trong đó, cơ quan quản lý đề nghị PVI khẩn trương đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết tạm ứng bồi thường, bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm.

Cơ quan quản lý cũng đề nghị sau khi có đánh giá mức độ thiệt hại, tổn thất PVI phải báo cáo lại Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trước ngày 10/4.

Theo tìm hiểu, PVI là nhà bảo hiểm gốc cho toàn bộ đội bay của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam từ năm 2009, bao gồm các loại bảo hiểm như bảo hiểm thân máy bay, trách nhiệm dân sự đối với hành khách trên máy bay và trách nhiệm pháp lý đối với phi hành đoàn.

Ngoài việc là nhà bảo hiểm chính cho Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, PVI còn là nhà bảo hiểm cho các hãng hàng không dân dụng tại Việt Nam, bao gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines), Vietjet Air.

Hoàng Tư
Bạn đang đọc bài viết Công ty Bảo hiểm PVI lên tiếng về sự cố rơi trực thăng tại Hạ Long tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Phát hiện sai phạm khi thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, việc thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm đã cơ bản hoàn tất, đang trong giai đoạn hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra, bước đầu phát hiện một số sai phạm.
Top 5 ngân hàng lãi nghìn tỷ từ bán bảo hiểm
Loạt thương vụ bắt tay giữa ngân hàng và bảo hiểm như Techcombank - Manulife, VPBank - AIA Việt Nam, ACB - Sun Life Việt Nam, MSB - Prudential, Vietcombank - FWD hay SHB - Dai-ichi Việt Nam đã giúp các ngân hàng nâng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm.