Cần có chính sách thuế TNDN đặc thù khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã

07/04/2023, 19:59

TCDN - Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật về thuế báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; trong đó cần có chính sách thuế TNDN đặc thù khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, phù hợp với bản chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Chiều 7/4, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì phiên họp Tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Tại phiên họp, Phó thủ tướng cho rằng, trong việc xây dựng thể chế để phát triển kinh tế tập thể khó nhất là vấn đề phân phối. "Làm ra đã khó, nhưng tổ chức phân phối để đảm bảo công bằng và phát triển bền vững còn khó hơn". Chính vì vậy, trong quá trình soạn thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về lý luận và thực tiễn; cầu thị tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát, tổng kết kinh nghiệm thực tế để thể chế hóa vấn đề này.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, trong năm 2023, khối lượng công việc của Ban Chỉ đạo là rất lớn, cùng với những mặt còn tồn tại, hạn chế nêu trên, để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ, các thành viên Ban chỉ đạo và các bộ ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2/2/2023 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW; chương trình, kế hoạch thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương và đôn đốc kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt trong toàn hệ thống.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; trọng tâm là dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các văn bản hướng dẫn thi hành và các cơ chế đặc thù hỗ trợ lĩnh vực kinh tế tập thể tạo tiền đề cho sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn Luật, để đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã mới. Tránh tình trạng Luật phải chờ Nghị định, Thông tư mới đi vào cuộc sống.

Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể các Luật về thuế để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung; trong đó cần có chính sách thuế TNDN đặc thù, phù hợp với bản chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các tổ chức kinh tế hợp tác.

Ngân hàng Nhà nước được rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức, hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trong việc mở rộng địa bàn hoạt động, kết nạp thành viên mới;… sửa đổi các quy định gây vướng mắc, chồng chéo với Luật Hợp tác xã; nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cho vay nội bộ trong quá trình sửa đổi Luật hợp tác xã.

Phó thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Diễn đàn kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2022.

Thứ ba, kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể, kiện toàn nhân sự, bộ máy giúp việc của Ban Chỉ đạo các cấp để tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện và thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã, các hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp để nâng cao nhận thức của người dân và cả hệ thống chính trị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là việc tuyên truyền và nhân rộng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng, phát hiện mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động của hiệu quả từ thực tiễn theo lĩnh vực phụ trách để tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng và tăng cường truyền thông, quảng bá các mô hình có tính mới, hoạt động hiệu quả, có sự lan tỏa rộng…

Tăng cường điều tra, khảo sát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã để kịp thời tham mưu các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.

Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, ưu tiên bố trí kinh phí, cán bộ theo dõi các nội dung về đổi mới kinh tế tập thể, hợp tác xã ở cơ quan, đơn vị từ trung ương tới địa phương.

Hà Linh
Bạn đang đọc bài viết Cần có chính sách thuế TNDN đặc thù khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Gần 82% hợp tác xã, người lao động trong HTX được hỗ trợ về thuế
Theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã, ước tính đến cuối năm 2022 có 81,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế; 12,1% tổng số HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 74,2% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.