Giá tour bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long là bao nhiêu?
TCDN - Tour du lịch trực thăng ngắm vịnh Hạ Long được chào bán với các mức giá khác nhau theo từng vị trí ngồi và thời gian bay, mức giá giao động từ 1,9 đến 6,1 triệu đồng/người.
Tuổi trẻ đưa tin, theo khảo sát giá vé dịch vụ bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long trên các trang đặt vé trực tuyến, các công ty du lịch có giá dao động 1,9 - 6,1 triệu đồng/hành khách, tùy vào vị trí ngồi và thời gian bay (từ 10-40 phút).
Trước khi bay, du khách sẽ được hướng dẫn các phương pháp đảm bảo an toàn bay, các vật dụng không được mang theo và các thiết bị cá nhân được cầm lên khi tham gia chuyến bay. Các lịch trình bay thay đổi theo thời gian bay gồm 8 phút, 10 phút, 12 phút, 25 phút và 40 phút.
Tour bay trực thăng 10 phút: bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - động Thiên Cung - hòn Đỉnh Hương - hòn Gà Chọi - hòn Vạn Bội - đảo Titop - hòn Châu Voi - bãi đỗ trực thăng Tuần Châu.
Tour bay trực thăng 15 phút: bãi đỗ trực thăng Tuần Châu - động Thiên Cung - hòn Trống Mái - hang Sửng Sốt - đảo Titop - vòng quay mặt trời - cầu Bãi Cháy - ngọn hải đăng - biển Bãi Cháy - đảo Riều - bãi đỗ trực thăng Tuần Châu.
Loại máy bay được sử dụng trong dịch vụ bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long là mẫu trực thăng Bell 505, được Công ty Trực thăng Miền Bắc nhập khẩu từ Mỹ. Đây là dòng trực thăng hạng nhẹ 4 chỗ ngồi do Hãng Bell Helicopters sản xuất năm 2018.
Loại trực thăng này được nhập khẩu về Việt Nam năm 2019 và chuyên được dùng để bay du lịch, ngắm cảnh, độ cao bay khoảng 150m. Trực thăng Bell 505 còn được sử dụng cho hoạt động du lịch tại nhiều điểm đến tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo các công ty du lịch, mức giá dịch vụ trên đã bao gồm cả gói bảo hiểm du lịch hành khách lên đến 30 triệu USD/sự vụ.
Hiện, công ty trực thăng đã tạm dừng tour bay trực thăng ngắm vịnh Hạ Long ngay khi vụ tai nạn xảy ra ngày 5/4.
Trước đó, vào hồi 16h50 ngày 5/4/2023, máy bay Bell-505, số hiệu VN-8650 của Công ty Trực thăng Miền Bắc thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng) do Đại tá Chu Quang Minh điều khiển xuất phát từ bãi đáp Tuần Châu thực hiện chở khách tham quan vịnh Hạ Long.
Chiếc trực thăng đã mất liên lạc lúc 17h15 phút cùng ngày, sau đó thì gặp nạn tại khu vực Hòn Dép (khu vực giáp ranh địa giới Hải Phòng).
Danh tính nạn nhân vụ máy bay rơi gồm có 5 người, là Đại tá Chu Quang Minh, sinh năm 1964, phi công và 4 hành khách gồm: Hồ Tá Lực, sinh năm 1964; Nguyễn Thị Hội, sinh năm 1963; Hồ Thị Oanh, sinh năm 1962; Phạm Thị Bê, sinh năm 1958.
Cả 4 hành khách đi trên chuyến bay này đều có hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng và đến Quảng Ninh thực hiện dịch vụ du lịch ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899