"Giữ trần giá vé máy bay là vô lý"

24/02/2023, 19:03
báo nói -

TCDN - Đánh giá về giá vé máy bay, TS.Lương Hoài Nam cho rằng việc Việt Nam hiện nay vẫn duy trì trần giá vé máy bay là một sự vô lý. Do đó, cần chấm dứt việc này càng sớm càng tốt.

Tại Tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường, tiếp sức hàng không Việt” do Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia kiến nghị phải sớm thay đổi cơ chế điều hành giá, bỏ trần giá vé máy bay thị trường nội địa.

TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch VABA cho biết, bên cạnh sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không nội địa từ tháng 6/2022 đến nay, tại thị trường hàng không quốc tế, các hãng hàng không đã khôi phục 118 đường bay, kết nối từ 9 sân bay Việt Nam đến 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, vận chuyển 11 triệu lượt khách quốc tế, gấp 22 lần so với năm 2021.

VABA nhận định thị trường hàng không Việt Nam đang trên đà phục hồi nhưng có sự không đồng đều giữa các phân khúc. Vận chuyển hàng hóa phục hồi nhanh và đã có sự tăng trưởng so với năm 2019, trong khi vận chuyển hành khách phục hồi chậm hơn và chưa đạt mức từng đạt cùng kỳ năm 2019; thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát nhưng thị trường quốc tế chỉ mới phục hồi chậm; sản lượng vận chuyển hàng không của các hãng hàng không Việt Nam đã phục hồi và có sự tăng trưởng nhất định, nhưng doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm do chi phí đầu vào tăng; sự phục hồi của ngành Hàng không Việt Nam có sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp thuộc các giai đoạn khác nhau trong chuỗi cung ứng... 

TS Lương Hoài Nam nhận định: “Giá trần là sự vô lý khủng khiếp, dứt khoát phải bỏ trần giá vé máy bay”.

TS Lương Hoài Nam nhận định: “Giá trần là sự vô lý khủng khiếp, dứt khoát phải bỏ trần giá vé máy bay”.

Phát biểu tại tọa đàm, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) đã chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp hàng không trong nước đang phải đối mặt.

Theo ông Nam, nếu nhưng khoảng 2 năm trước đây, các hãng hàng không có thể nợ nhiều, nhưng không đáng lo ngại bởi các chủ cho thuê tàu bay họ sẽ không đòi lại tàu bay do nhu cầu cho thuê không cao bởi tình hình cả thế giới là tương tự.

Tuy nhiên theo ông Nam, tình thế hiện tại hoàn toàn khác, dịch vụ cho thuê tàu bay rất nóng, nhiều thị trường thiếu tàu bay. Do đó, nếu tình hình các hãng hàng không không cải thiện được và thanh toán cho các chủ nợ thì rất dễ bị thu hồi tàu bay, thậm chí còn bị các chủ nợ kiện ra tòa.

Đánh giá về giá vé máy bay, TS Lương Hoài Nam cho rằng việc Việt Nam hiện nay vẫn duy trì trần giá vé máy bay là một sự vô lý. Do đó, cần chấm dứt việc này càng sớm càng tốt.

Lý giải về nhận định này, ông Nam đưa ra 3 luận điểm. Đầu tiên là việc duy trì trần giá vé máy bay như hiện nay tại Việt Nam là "không giống ai". Theo ông Nam, thế giới hiện nay không còn nước nào quản lý giá trần vé máy bay, giá vé là do thị trường quyết định.

Cũng theo ông Nam, việc duy trì trần giá vé máy bay sẽ làm các hãng hàng không mất đi cơ hội cải thiện tài chính ở giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, việc này cũng vô hình trung làm kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường nội địa. 

Từ những nhận định trên, TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh lại quan điểm bỏ trần giá vé máy bay và để cho thị trường quyết định giá dựa trên nguyên tắc kinh tế thị trường.

Đồng quan điểm này, ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc tranh cãi bỏ hay giữ áp giá trần vé đã “nóng” từ 2005 đến nay vẫn chưa ngã ngũ, nhưng đã đến lúc bỏ giá trần có điều kiện. “Chúng ta hội nhập rồi, không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp”, ông Lực phân tích.

Về ý kiến cho rằng áp giá trần có thể tạo dư địa cho độc quyền hàng không quay trở lại hoặc các hãng bắt tay nhau để nâng giá, làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng, ông Lực cho rằng khó xảy ra những điều đó vì thị trường hiện đã và đang cạnh tranh rất nhiều so với trước đây. “Hiện thị phần nội địa Vietjet đã vượt lên 35%, VNA còn 30%, Bamboo Airways 15%, thì không còn dấu hiệu độc quyền. Luật giá dự thảo hiện cũng không đưa giá vé hàng không vào điều tiết nữa”. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng, bỏ giá trần thì cơ quan quản lý và bản thân DN hàng không, phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm không bị các hãng “bắt tay nhau ép giá” khách hàng. Các hãng nên đa dạng phân khúc khách hàng theo từng mức giá, quản trị cải thiện minh bạch hơn nữa, tái cấu trúc quyết liệt hơn, bao gồm cả chuyển đổi số để bứt phá.

Theo khung giá vé máy bay đang được áp dụng, giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.

Đây là mức doanh thu thuộc về hãng hàng không, còn về phía khách hàng sẽ phải thanh toán thêm thuế VAT áp dụng trên doanh thu thuộc về hãng hàng không cộng thêm mức thuế, phí sân bay (từ 80.000 – 120.000 đồng tùy theo các cấp sân bay).

Từ cuối năm 2021 giá nhiên liệu bắt đầu có dấu hiệu tăng trên 100 USD/thùng Jet A1, thậm chí tháng 5/2022 giá nhiên liệu đạt ngưỡng 170-175 USD/thùng Jet A1 và duy trì ở mức bình quân 130 USD/thùng Jet A1 trong năm 2022 (tăng 40% so với mức được sử dụng để định giá năm 2015 và 2019).

Giá nhiên liệu tăng cũng làm tỷ trọng chi phí nhiên liệu của chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí khai thác. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VNĐ năm 2015 đạt bình quân 21.929 trong khi năm 2022 bình quân đạt 23.425, tăng 6,8%.

Các hãng hàng không cho biết các hợp đồng thuê tàu bay, chi trả nhà cung ứng dịch vụ nước ngoài cũng gia tăng trong khi vé bán tại thị trường nội địa chỉ được thu bằng VNĐ. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khung giá trần được ban hành từ 2015 vẫn được duy trì trong bối cảnh các hãng hàng không đang chịu các áp lực về chi phí nhiên liệu, tỷ giá đều tăng mạnh.

Lương Ngọc Dung
Bạn đang đọc bài viết "Giữ trần giá vé máy bay là vô lý" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tiếp tục đề xuất nâng trần giá vé máy bay
Ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa đề xuất nghiên cứu và điều chỉnh nâng khung giá trần nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới; đồng thời, tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất.