Trần giá vé máy bay, giá điện có thể sẽ tăng
TCDN - Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh tăng trần giá vé máy bay với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng khẳng định giá điện cũng chắc chắn có sự điều chỉnh trong thời gian tới.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá vừa chủ trì cuộc họp điều hành giá quý 1/2023.
Trước diễn biến giá cả các tháng đầu năm, Bộ Tài chính đánh giá sẽ có áp lực tăng giá trong tháng 4 và quý 2. Vì vậy cần có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như giá vật liệu xây dựng, xăng dầu, giá các mặt hàng do nhà nước điều chỉnh giá.
Về giá vé máy bay, hiện trần giá vé vẫn được giữ ổn định từ năm 2019. Nhưng theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, chi phí nhiên liệu tháng 12/2022 của các hãng hàng không tăng gần 62,4% so với tháng 12/2014 và tăng xấp xỉ 81% so với tháng 9/2015. Chỉ số này tác động làm tổng chi phí tăng gần 28% so với tháng 12/2014 và 33,5% so với tháng 9/2015.
Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không với mức tăng trung bình 3,75% so với khung giá hiện hành. Thời gian dự kiến tăng quý 2 và quý 3/2023. Việc tăng trần giá vé máy bay theo tính toán có thể khiến CPI năm nay tăng thêm 0,07%.
Về giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm trong thời gian tới, giá điện chắc chắn sẽ có sự điều chỉnh. Do đó cần tính toán giá các mặt hàng khác để điều chỉnh với mức độ, thời điểm phù hợp.
Về dịch vụ giáo dục, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Chính phủ quyết giữ ổn định học phí 2022 - 2023. Hiện bộ đang phối hợp các cơ quan liên quan đánh giá các tác động, nghiên cứu các giải pháp để có đề xuất điều chỉnh phù hợp sau tháng 9/2023.
Về giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết từ 1/7/2023 sẽ tăng lương cơ sở. Do đó giá dịch vụ y tế sẽ có sự điều chỉnh. Bộ Y tế cũng đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về dự thảo thông tư quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu. Bộ Y tế cũng đề xuất các mức giá phù hợp với lộ trình và mặt bằng xã hội, bảo đảm được nguồn thu cho cơ sở y tế công lập, nâng cao đời sống cho y bác sĩ.
Trên cơ sở đánh giá chỉ số giá các mặt hàng cơ bản, Bộ Tài chính cũng đưa ra 3 kịch bản dự báo lạm phát năm nay, tăng 3,9 - 4,8% so với 2022.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, đối với Việt Nam, CPI ở mức không phải là cao so với thế giới và khu vực. Quý 1/2023 năm nay, CPI tăng khoảng 4,2%. Sắp tới, tính bất ổn rất cao, nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát, thị trường của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào giá: xăng dầu, lương thực, thực phẩm, sắt thép…
Trong trường hợp giả định 9 tháng còn lại CPI tăng đều một tỉ lệ như nhau so với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng mỗi tháng còn dư địa tăng 0,52%. Như vậy sẽ đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân 4,5%.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam; kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá, lạm phát để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam không nằm trong nhóm nước có CPI cao, nhưng diễn biến thế giới phức tạp sẽ ảnh hưởng trực tiếp, vì thế các bộ, ngành dự báo chính xác số liệu đầu vào để quản lý tốt giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục.
Kịch bản điều hành giá đưa ra phải bám sát chính sách tài khóa, tiền tệ. Nhiều mặt hàng thiết yếu cần phải bình ổn giá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, phấn đấu đạt thấp hơn kế hoạch.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899