CPH đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt 0,09% kế hoạch
TCDN - Số liệu được ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp công bố tại họp báo chuyên đề về cổ phần hóa vừa qua.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, cả nước còn gần 58.000 đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) với số lượng lao động đạt hơn 2,5 triệu người. Tuy nhiên, đến năm 2018 số lượng cổ phần hóa chỉ được trên 50 đơn vị, chưa đạt 0,09% số đơn vị SNCL đang hoạt động.
Việc chuyển đổi được thực hiện theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg. Tuy nhiên, kết quả chưa cao một phần do Quyết định này đã bộc lộ những bất cập. Chẳng hạn, chưa có quy định chặt chẽ về nghĩa vụ tiếp tục cung cấp dịch vụ công của doanh nghiệp chuyển đổi từ ĐVSNCL, chế tài nếu ĐVSNCL không tiếp tục cung cấp dịch vụ công hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg chưa quy định cơ chế giám sát, tổng hợp báo cáo về tình hình cung cấp dịch vụ công của các doanh nghiệp này, chưa có hướng dẫn xử lý một số nội dung tài chính đặc thù của ĐVSNCL. Quyết định này cũng chưa quy định hết đối tượng các ĐVSNCL có khả năng chuyển đổi thành CTCP như các ĐVSNCL thuộc các cơ quan chuyên môn của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc bán toàn bộ phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cũng chưa được quy định trong Quyết định này.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg dẫn chiếu tới quy định về cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định về tài chính, kế toán đối với ĐVSNCL và doanh nghiệp là khác nhau. Do vậy, việc hướng dẫn chuyển đổi các ĐVSNCL thực hiện theo quy định như đối với chuyển đổi DNNN thành CTCP có thể tạo bất cập, khó khăn cho các đơn vị.
Phần lớn ĐVSNCL đủ điều kiện chuyển đổi thành CTCP có quy mô nhỏ, tuy nhiên Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đang quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án chuyển đổi. Quy định này tăng khối lượng công việc của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Chính phủ, hạn chế tính chủ động của cơ quan chủ quản và kéo dài thời gian chuyển các ĐVSNCL thành CTCP.
Để khắc phục tình trạng này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết Bộ Tài chính đưa ra nhiều chính sách lớn trong bản Dự thảo Nghị định chuyển đơn vị SNCL thành công ty cổ phần.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất 3 điều kiện mà ĐVSNCL cần đáp ứng để chuyển thành CTCP gồm: Tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự đảm bảo chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi; Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị ĐVSNCL; Thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển ĐVSNCL thành CTCP do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
Các hình thức chuyển đổi ĐVSNCL được đưa ra trong dự thảo Nghị định là: Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ; Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại ĐVSNCL hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Nội dung về xử lý nhà, đất của ĐVSNCL chưa được quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg. Do vậy, để đảm bảo việc hướng dẫn chuyển đổi ĐVSNCL được đầy đủ, Bộ Tài chính đề xuất quy định về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của ĐVSNCL theo quy định của Chính phủ về sắp xếp, xử lý tài sản công, phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai trước khi quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định về phương án sử dụng đất và giám sát tình hình sử dụng đất của doanh nghiệp sau chuyển đổi.
Về xử lý tài chính đối với ĐVSNCL thành CTCP, Quyết định số 22/2015/QĐ-TTG chưa có quy định về xử lý tài chính đối với một số nội dung đặc thù của ĐVSNCL như: Các khoản kinh phí ĐVSNCL được ngân sách nhà nước, Công ty mẹ hoặc đơn vị cấp trên cấp để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị; Số dư các Quỹ đặc thù của ĐVSNCL như Nguồn thực hiện cải cách tiền lương; Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi; Số dư Quỹ bổ sung thu nhập, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp... Để khắc phục các vướng mắc phát sinh trong xử lý tài chính đối với các nội dung đặc thù của các ĐVSNCL, Bộ Tài chính đề xuất quy định tại Nghị định phương án và thẩm quyền xử lý đối với các nội dung trên.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn đề xuất các chính sách liên quan đến đối tượng ĐVSNCL chuyển đổi thành CTCP; xác định giá trị ĐVSNCL; đối tượng và điều kiện mua cổ phần; về quản lý, sử dụng tiền thu từ chuyển đổi; chính sách ưu đãi đối với ĐVSNCL và người lao động; quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện chuyển đổi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899