Đà Nẵng lên kịch bản phục hồi trong trạng thái "bình thường mới"
TCDN - Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đang lên kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi KT-XH trong trạng thái “bình thường mới”.
Theo đó, Đà Nẵng dự kiến áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) theo cấp độ 2 (theo Chỉ thị 19) từ 1/10 đến 15/10/2021, sau đó sẽ chuyển sang áp dụng cấp độ 1 khi hướng dẫn được ban hành chính thức.
Trường hợp diễn biến dịch xấu hơn so với dự kiến của ngành y tế, tùy vào đánh giá mức độ nguy cơ, Thành phố sẽ chuyển sang áp dụng trạng thái phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn, theo từng khu vực và phù hợp với thực tiễn.
Đà Nẵng phấn đấu tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn năm 2021 (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 1,59% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2021 ước đạt 89,8% so với dự toán.
Thành phố xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2022 ở 3 cấp độ thấp, trung bình và cao, trong đó: Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ phục hồi và tăng nhanh hơn khu vực dịch vụ; khu vực nông, lâm, thủy sản cơ bản duy trì như những năm trước.
Nhằm phục hồi KT-XH trong trạng thái “bình thường mới” và đạt được những mục tiêu nêu trên, Thành phố ưu tiên đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, dự kiến cuối tháng 9/2021 đạt 95% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1; cuối tháng 10/2021, đạt 100% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 1 và 22,1% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine mũi 2. Đến cuối năm 2021, đạt 100 % người trên 18 tuổi tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài các chính sách đã được ban hành, Đà Nẵng còn nghiên cứu triển khai các nhóm giải pháp mới như hỗ trợ phí sử dụng hạ tầng trong năm 2021 tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tín dụng vốn lưu động cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, hỗ trợ chi phí xét nghiệm người lao động cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển thành phố để khôi phục sản xuất kinh doanh; hỗ trợ cho phép gia hạn thuê đất theo hiện trạng sử dụng; cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh giãn tiến độ triển khai dự án đầu tư do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí giải thể. Thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền cho phép để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
"Mặc dù vậy, nhiều giải pháp khi triển khai trong thực tế vẫn còn lúng túng, gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp. Điều này khiến cho chúng tôi, những lãnh đạo thành phố không khỏi trăn trở, suy nghĩ", Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết.
Thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương xem xét đối với các quy định vượt quá thẩm quyền cho phép của UBND Thành phố.
Chủ tịch TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh khẳng định, thành phố luôn xác định “sức khoẻ” của doanh nghiệp là yếu tố hàng đầu quyết định đến khả năng phục hồi của nền kinh tế; đặc biệt, sức mạnh nội lực đến từ các doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa quan trọng, bởi đây chính là nhân tố bảo đảm việc phát huy hiệu quả các nguồn ngoại lực, tạo thành nguồn lực tổng hợp to lớn cho phát triển.
Thành phố cam kết sẽ nỗ lực để “không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau”, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, góp phần phục hồi KT-XH của thành phố.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899