Đại biểu đề xuất miễn thuế TNCN cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ

17/02/2025, 13:59
báo nói -

TCDN - Để đảm bảo công bằng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải miễn thuế TNCN cho tất cả các hoạt động nghiên cứu.

Sáng 17/2, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho hay, Nghị quyết đã chỉ ra sẽ được miễn thuế TNCN đối với các phần kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đối với phần kinh phí do doanh nghiệp tài trợ chỉ có doanh nghiệp được trừ vào trong phần chi phí để tính thuế còn đơn vị nghiên cứu lại vẫn phải tính thuế TNCN.

“Đây là điều bất hợp lý khi nhà nước đáng ra phải cấp tiền thì nhà nước miễn thuế TNCN. Bây giờ đơn vị nghiên cứu tự đi khai thác từ bên ngoài thì lại phải nộp thuế TNCN. Đây là điều không công bằng. Do vậy, tôi đề nghị phải miễn thuế TNCN cho tất cả các hoạt động nghiên cứu”, đại biểu Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường.

Bên cạnh đó, đại biểu Cường cũng đề nghị là đối với các trường đại học hiện nay là những trường công lập, những trường không đặt ra mục tiêu lợi nhuận, những trường tư thục hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đã không vì mục đích lợi nhuận thì không có cơ sở để tính thuế, nhưng hiện nay các trường này vẫn phải nộp thuế, đặc biệt là những trường tự chủ, là những trường phải tự lo, nhà nước không cấp ngân sách thì lại phải thu thuế và như vậy thu thuế đối với các trường đại học công lập tự chủ hoặc là những trường tư thục không vì lợi nhuận không có căn cứ cơ sở và thậm chí tăng thêm trách nhiệm, gánh nặng cho người học.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) trong khoa học, công nghệ có cả cơ sở công, cơ sở tư và rất nhiều doanh nghiệp tư có thể đưa vào danh sách để hình thành nên cơ sở khoa học, công nghệ, cơ sở chuyển đổi số nòng cốt để có những ưu đãi về thuế, về tài chính, về con người để cho rõ và để cho tập trung trọng tâm trọng điểm và nếu ưu đãi được cho các cơ sở nòng cốt này chắc chắn nên có những ưu đãi về thu nhập để lại sau thuế để dành cho những nhiệm vụ khoa học, công nghệ.

Đại biểu cho rằng, mạnh dạn như vậy trong Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp đã thiết kế được nội dung như vậy, sẽ rất hợp lý và tác động trực tiếp đối với các doanh nghiệp này. Chúng ta để lại một phần sau thuế để làm nhiệm vụ khoa học, công nghệ đó và để cho họ sẵn sàng có nguồn lực để thực hiện cùng với nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Về nguồn vốn, nguồn lực, theo đại biểu Trịnh Xuân An, trong dự thảo Nghị quyết còn thiếu vắng cơ chế về tài chính từ phía các tổ chức tín dụng, các gói hỗ trợ. Chúng tôi mong muốn trong nghị quyết này chúng ta thiết kế được những nội dung mang tính chất hỗ trợ từ các gói hỗ trợ tín dụng để chúng ta có động lực cho khối khoa học, công nghệ nghiên cứu phát triển.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại phản đối miễn thuế TNCN và cho rằng, không thể nào không thu thuế thu nhập.

“Tôi đồng ý với ý kiến của Ban soạn thảo, có một số đại biểu nói là miễn cả thuế thu nhập; cán bộ, công nhân viên chức hay kể cả doanh nghiệp lương còn nộp thuế thu nhập. Danh nghiệp, các nhà khoa học hay những người có phát minh sáng chế đã thu được tiền, đã có bao nhiêu ưu đãi thì đóng góp cho xã hội, về thu nhập doanh nghiệp thì phải đóng”, đại biểu Thân nêu ý kiến.

Giải trình thêm 1 số nội dung, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, Nghị quyết thí điểm cho phép doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ ngoài Quỹ khoa học, công nghệ và được tính là chi phí hợp lệ, được khấu trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp có thể chi cho khoa học, công nghệ nhiều hơn 10% lợi nhuận trước thuế và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định quá chặt chẽ của quỹ. Việc giới hạn chi khoa học, công nghệ được hưởng ưu đãi thuế chỉ trong phạm vi Quỹ khoa học, công nghệ đã làm cho các doanh nghiệp. Việt Nam chi cho nghiên cứu phát triển ít hơn các nước tới 10 lần.

Theo Bộ trưởng, một số đại biểu Quốc hội có ý kiến về chính sách giải phóng mạnh mẽ hơn nữa Quỹ khoa học, công nghệ của doanh nghiệp, chính sách khấu trừ thuế cho các khoản chi khoa học, công nghệ, giống như nhà nước chung tay với doanh nghiệp để đầu tư cho khoa học, công nghệ, để khuyến khích doanh nghiệp chi cho khoa học, công nghệ là rất xác đáng và xin tiếp thu.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu đề xuất miễn thuế TNCN cho các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bài 3: Áp dụng cơ chế khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và công nghệ
Để khoa học công nghệ phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi mô hình quản lý tài chính, áp dụng khoán chi trong triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, thực hiện các cơ chế ưu đãi...
Bài 1: Ngân sách chi cho khoa học và công nghệ 'nhỏ giọt'
Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Tuy nhiên, mức đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa tương xứng, chưa đạt tới ngưỡng cần và đủ.
Cần chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ theo cơ chế doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hãy để viện nghiên cứu chi đồng tiền mà họ nhận được từ nhà nước để nghiên cứu theo cơ chế chi của doanh nghiệp, cơ chế khoán. Nhà nước hãy quản theo kết quả nghiên cứu, tức là quản theo mục tiêu, thay vì quản cách làm, quản quy trình.