Đại biểu đồng thuận giảm thuế TNDN cho nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong

10/06/2022, 21:59

TCDN - Tại phiên thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhiều đại biểu nhất trí với cơ chế khấu trừ bổ sung chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) khi tính thuế TNDN nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), về điều kiện nhà đầu tư chiến lược để thúc đẩy các chính sách, cũng rất cần thiết phải có các nhà đầu tư có kinh nghiệm, có tiềm năng nhưng dự thảo Nghị quyết đưa ra những tiêu chí về tài chính cho một số lĩnh vực vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc tổng tài sản là 25.000 tỷ đồng thì rất khó khả thi.

Theo bà Nga, nhiều đại biểu thảo luận ở tổ cũng băn khoăn về vấn đề này và cũng cho rằng số doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng là đếm trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, đại biểu Nga xin Chính phủ có thể cung cấp cho các đại biểu danh sách này để có căn cứ để biểu quyết về chính sách này.

Đại biểu Nga cho biết thêm có những lĩnh vực vốn điều lệ chỉ yêu cầu 500 tỷ đồng, theo tôi, quy mô như vậy là nhỏ, đã là nhà đầu tư chiến lược thì phải có quy mô tầm cỡ nào đó và có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư thì mới có khả năng mang tính chiến lược cho sự phát triển của một vùng, một khu vực quan trọng đặc biệt như là Vân Phong.

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng).

Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng).

Về nghĩa vụ nhà đầu tư chiến lược tại điểm c khoản 9 của dự thảo Nghị quyết quy định: "Thời gian nhà đầu tư không được chuyển nhượng dự án là 5 năm đối với các dự án tại điểm b, điểm c khoản 1 và 3 năm đối với các dự án còn lại". Theo đại biểu Nga, việc quy định không được chuyển nhượng dự án như vậy là ngắn và dễ dẫn đến lợi dụng chính sách để nhà đầu tư núp bóng và chưa bảo đảm gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất của nhà đầu tư chiến lược.

Về ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược, dự thảo đưa ra 2 nội dung ưu đãi, một là được khấu trừ 150% vốn đầu tư phát triển thực tế, hai là ưu đãi về thủ tục hải quan và thuế. Các lĩnh vực dự án đầu tư tương đối rộng, vốn điều lệ là khác nhau nhưng chỉ có 1 chính sách ưu đãi chung. Đại biểu Nga đề nghị cần có chính sách khác nhau, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư và cân nhắc chính sách mạnh hơn để tạo đột phá cho yêu cầu phát triển Khu kinh tế Vân Phong như thuyết minh trong Tờ trình của Chính phủ.

Cũng liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, đại biểu Lê Văn Thìn (đoàn Phú Yên) cho rằng, đối với phát triển Khu kinh tế Vân Phong, vừa lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, với vị trí địa lý đặc biệt, với ưu thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như giữ vị trí chiến lược, vừa đảm bảo quốc, phòng an ninh. Vì vậy, việc đưa ra các tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng thực sự và hạn chế tối đa sự biến tướng của các nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, quốc phòng là việc làm rất cần thiết và rất quan trọng.

Đại biểu Thìn đề nghị xem xét lại các điều kiện, quy định về kinh nghiệm của nhà đầu tư. Bởi có những ngành nghề như đầu tư khu đô thị, dịch vụ, du lịch,… nếu có đủ năng lực tài chính thì có thể làm được và làm rất tốt. Nếu chúng ta đưa quá nhiều điều khoản về kinh nghiệm cho tất cả các loại hình ngành nghề, vô hình trung chúng ta khu trú vào một nhóm doanh nghiệp, làm mất cơ hội đối với các doanh nghiệp khác có tiềm năng về tài chính.

“Tôi cũng thống nhất cao với điều khoản khấu trừ thuế TNDN cho các khoản chi nghiên cứu và phát triển. Theo tôi, đây là một tiêu chí mới để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp có tiềm lực và tự chủ về khoa học công nghệ, đây sẽ là những doanh nghiệp tạo động lực cho hoạt động của khu kinh tế”, đại biểu nhấn mạnh.

Chia sẻ về chính sách thuế, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung rất quan trọng đó là quy định của dự thảo Nghị quyết về việc cấp giấy phép đầu tư của các dự án cho các nhà đầu tư chiến lược trong Khu kinh tế Vân Phong được áp dụng cơ chế khấu trừ bổ sung chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) khi tính thuế TNDN.

Theo ông Tạo, bởi lẽ, cơ chế, chính sách này đã khuyến khích bằng thuế, cho phép các nhà doanh nghiệp có quyền tự chủ trong việc quyết định các chiến lược về nghiên cứu và phát triển của mình, tạo ra sự phản ứng kịp thời, hiệu quả trước các tín hiệu và dự biến dự báo của thị trường, bảo đảm các doanh nghiệp vẫn là người chủ đầu tư trực tiếp cho các dự án bằng nguồn tài chính riêng độc lập của mình, không thông qua nguồn ngân sách nhà nước. Từ đó sẽ giảm rủi ro, lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, nếu phân bổ các nguồn lực không hợp lý.

Làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Khu kinh tế Vân Phong có một tiềm năng rất vượt trội và đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, mà ở đây chúng ta đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá ở đây nên mới đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn ở đây.

Về các chính sách ưu đãi, theo Bộ trưởng ở đây chính sách ưu đãi thì chúng ta áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư cũng như là các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có 2 chính sách bổ sung thêm, đó là được trừ 150% chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế TNDN. Thứ hai là được ưu tiên về các thủ tục hải quan và thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Nam Yên
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu đồng thuận giảm thuế TNDN cho nhà đầu tư chiến lược tại Khu kinh tế Vân Phong tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan