Đại biểu Quốc hội: Cần bảo vệ người mua bảo hiểm

27/05/2022, 20:17

TCDN - Góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đại biểu quốc hội cho rằng, đối với người mua bảo hiểm cần phải có quy định về trách nhiệm của nhà nước bảo vệ họ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn Tp.HCM) đề nghị bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để làm rõ quy định tại Khoản 2 Điều 22. Trường hợp bên mua bảo hiểm cố ý cung cấp không đầy đủ thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm giao kết hợp đồng bảo hiểm để được bồi thường, trả tiền bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí hợp lý theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nếu có) để tránh khó hiểu, tranh chấp khi có tình huống diễn ra.

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Tp.HCM).

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn Tp.HCM).

Liên quan đến chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 5, nữ đại biểu đề nghị nhà nước cần phải có chính sách bảo vệ người mua bảo hiểm chứ không chỉ quy định nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, vì như vậy rất chung chung.

“Dự thảo Luật cần phải có luôn quy định về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách bảo vệ đối với người mua bảo hiểm nhân thọ trong quan hệ với các tổ chức hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, bà Châu nói.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An), đối với quy định về hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đề nghị làm rõ mục tiêu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu, cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu phục vụ kinh doanh bảo hiểm để đảm bảo sự an toàn thông tin cá nhân của người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cần làm rõ thẩm quyền truy cập cơ sở dữ liệu, đảm bảo thống nhất với quy định trong điều 38 của Bộ Luật Dân sự; bổ sung nguyên tắc các thông tin của người mua bảo hiểm phải không mang tính định danh cá nhân.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (đoàn Bình Định) đề xuất dự thảo Luật cần quy định rõ thế nào là thông đồng gian dối thông tin của người mua bảo hiểm. Vì xác định được các hình thức, biểu hiện cụ thể của thông đồng và các quy định cụ thể của Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ làm cơ sở quan trọng để xác định trách nhiệm của người bán, bên kinh doanh bảo hiểm và các cơ quan hữu quan trong hành vi gian dối thông tin của người mua bảo hiểm.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm, hậu quả pháp lý cụ thể của mỗi bên đối với các hành vi gian dối, cung cấp thông tin sai sự thật của bên mua bảo hiểm, nhưng có sự thông đồng, giúp sức của bên bán bảo hiểm.

Đại biểu cũng cho rằng cần có sự tính toán tăng chế tài đối với bên kinh doanh bảo hiểm có hành vi gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi gian lận đang gia tăng về số lượng trên thị trường.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần có quy định về vấn đề liên thông khai báo thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, xây dựng hệ thống dữ liệu chung cho ngành kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên giải pháp này cần đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của khách hàng, tránh làm ảnh hưởng quyền lợi của người mua khi bên kinh doanh bảo hiểm có sự liên thông về thông tin.

Phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan soạn thảo đã phối hợp sát sao với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng thống nhất, đồng bộ việc thực hiện pháp luật, tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm khả năng tiếp cận sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng.

Cụ thể, Bộ trưởng khẳng định hai khái niệm “an toàn vốn” và “an toàn tài chính” là khác nhau. Khái niệm “an toàn vốn” đã được làm rõ tại khoản 1, điều 108 dự thảo Luật, theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn không thấp hơn quy định của Bộ Tài chính. Tỷ lệ an toàn vốn là tỷ lệ giữa vốn thực có và vốn trên cơ sở rủi ro theo quy định của Bộ Tài chính.

Về an toàn tài chính, dự thảo Luật có quy định rõ tại điều 93: trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, khung quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật nhằm đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn và an toàn tài chính theo quy định của Luật này. 

Về áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm và luật khác có liên quan, tập quán quốc tế, Bộ trưởng cho biết việc xây dựng dự thảo Luật sẽ đảm bảo đúng với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đảm bảo rõ ràng, minh bạch trong việc áp dụng luật sau khi luật có hiệu lực thi hành.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đại biểu Quốc hội: Cần bảo vệ người mua bảo hiểm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Khuyến nghị của IMF về chính sách thị trường chứng khoán, bảo hiểm rất quan trọng
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, những khuyến nghị chính sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) rất xác đáng và quan trọng với Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện thể chế chính sách tài khóa, tiền tệ cũng như thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, đây cũng là những vấn đề Bộ Tài chính đang rất quan tâm.
Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm tăng 13%
Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm quý I năm 2022 ước tính tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 15%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 9%.