Đại lý thuế cần xây dựng thương hiệu và đạo đức hành nghề

19/07/2021, 09:48

TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để đại lý thuế phát triển là nội lực của bản thân, thương hiệu, kỹ năng và đạo đức hành nghề.

Xuất phát từ yêu cầu quản lý thuế của Việt Nam, trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước, Tổng cục Thuế đề xuất lên Bộ Tài chính trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung kinh doanh làm dịch vụ thủ tục về thuế (đại lý thuế) vào Luật Quản lý Thuế và được Quốc hội thông Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH 11 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007 trong đó có Điều 20 về đại lý thuế.

Gần 15 năm thực hiện, hoạt động đại lý thuế đã từng bước phát triển: từ con số không, đến nay đã có 760 doanh nghiệp đủ điều kiện được cơ quan thuế cấp phép hoạt động làm dịch vụ thủ tục về thuế. Tuy nhiên phạm vi kinh doanh còn hạn hẹp: Luật chưa quy định đại lý thuế làm dịch vụ tư vấn thuế, kế toán…

Trước nhu cầu cấp bách của doanh nghiệp, doanh nhân, mà đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 đã mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế được cung cấp thêm dịch vụ tư vấn thuế đồng thời cung cấp thêm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trong thực tế hiện nay các đại lý thuế đã dần khẳng định vị trí của mình. Đó là giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm về thuế đối với nhà nước theo quy định của pháp luật một cách thuận lợi nhất. Đồng thời giúp người nộp thuế, doanh nghiệp, doanh nhân cập nhật được hưởng những ưu đãi về miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, hoàn thuế nhằm vừa tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận của mình.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam

Chia sẻ về điều này, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc thông tin, hiện nay, ngoài việc tư vấn thuế, nhiều đại lý đã thực hiện công việc chuyên sâu như căn cứ vào báo cáo tài chính, tính toán chi phí, hoàn thuế, giải trình hồ sơ cho doanh nghiệp trước các cuộc kiểm tra của cơ quan thuế, được cơ quan thuế địa phương xác định đủ điều kiện hành nghề làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ và bắt đầu triển khai thực hiện…

Thậm chí nhiều đại lý thuế đã liên kết được với bảo hiểm xã hội giúp doanh nghiệp thực hiện thủ tục bảo hiểm xã hội thuận lợi hơn. Đại lý thuế ký thay doanh nghiệp, và chịu trách nhiệm trước pháp luật trên các giấy tờ, hồ sơ thuế của người nộp thuế theo thỏa thuận ký kết hai bên, riêng doanh nghiệp siêu nhỏ còn làm thêm dịch vụ kế toán theo quy định của pháp luật… Thông thường các hồ sơ thông qua đại lý thuế đều tuân thủ pháp luật và kê khai tốt hơn, giúp cơ quan thuế rút ngắn thời gian kiểm tra thuế.

Để tồn tại và phát triển, Chủ tịch VTCA cho rằng, đại lý thuế và nhân viên đại lý thuế cần có 3 yếu tố.

Thứ nhất, làm thế nào để người nộp thuế khi đến chỗ mình họ kỳ vọng sẽ có hiệu quả cao nhất: nộp thuế thuận lợi và hưởng những ưu đãi về thuế tốt nhất, cao nhất, giảm thiểu rủi ro nhất? Điều đó phụ thuộc vào nội lực của các đại lý thuế. Muốn người nộp thuế tìm tới mình, đại lý thuế đó phải có thương hiệu, uy tín. Thương hiệu được xây dựng từ việc đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế phải cập nhật đầy đủ, nắm chắc các kiến thức, quy định pháp luật về chính sách, quản lý thuế; trình độ tin học, các kỹ năng mềm trong quá trình cung cấp dịch vụ cho người nộp thuế... theo đó chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo thì uy tín đại lý thuế tăng lên. Cùng với trình độ nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề nhân viên đại lý thuế, các đại lý thuế nhất định phải có đạo đức nghề nghiệp.

Thứ hai, hệ thống đại lý thuế phát triển tốt thì cần thiết phải có được sự trợ giúp của cơ quan thuế các cấp. Lãnh đạo Tổng cục thuế, Cục thuế các địa phương đã, đang ủng hộ cho đại lý thuế phát triển: xây dựng kế hoạch phát triển đại lý thuế, xác định đủ điều kiện hành nghề, cập nhật chính sách, kết nối, hướng dẫn các phần mềm hỗ trợ kê khai… Các chi cục thuế, các đội thuế… là cơ quan thuế quản lý trực tiếp cần tiếp tục tăng cường và tạo điều kiện thuận lợi để đại lý thuế tiếp cận với người nộp thuế, thông qua việc tuyên truyền cho người nộp thuế biết về lợi ích khi sử dụng đại lý thuế, giới thiệu các đại lý thuế đang hoạt động trên địa bàn.

Thứ ba, khách hàng - người nộp thuế - là nhân tố quan trọng nhằm tạo ra doanh thu để duy trì và phát triển đại lý thuế. Bản thân người nộp thuế phải thấy được ưu việt khi sử dụng đại lý thuế. Họ cân nhắc việc tự kê khai, tính toán… thuế phải nộp với sử dụng đại lý thuế. Như vậy đại lý thuế phải có biện pháp tìm kiếm khách hàng, quảng bá thương hiệu, nhưng người nộp thuế cũng có nhu cầu khai thuế qua đại lý thuế. Trong thực tế, nhiều khi người nộp thuế có tâm lý tiếc tiền khi thuê đại lý thuế, hoặc tiếc tiền khi nộp thuế nên dẫn đến vi phạm pháp luật về thuế, bị truy thu, phạt, thậm chí trường hợp nặng thì liên quan đến hình sự có nguy cơ vướng vào vòng lao lý, rủi ro quá cao.

Vì vậy, bà Nguyễn Thị Cúc khuyến cáo, tốt nhất là người nộp thuế tuân thủ pháp luật. Để tiết kiệm chi phí cho bộ máy kế toán thuế, thì nên sử dụng đại lý thuế, thực hiện nộp thuế đúng chế độ quy định, không trốn thuế để tránh gây thất thu ngân sách nhà nước và rủi ro cho người nộp thuế.

“Tôi cho rằng, với sự hỗ trợ của cơ quan thuế, các hội nghề và nỗ lực của chính mình thể hiện bằng thương hiệu, uy tín, đạo đức nghề nghiệp thì chắc chắn các đại lý thuế sẽ phát triển nhanh, bền vững và tăng trưởng số lượng khách hàng và cả doanh thu nhiều hơn nữa”, bà Cúc nói.

Theo Luật Quản lý thuế số 38: dịch vụ do đại lý thuế cung cấp cho người nộp thuế theo hợp đồng bao gồm: thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế và các thủ tục về thuế khác thay người nộp thuế; dịch vụ tư vấn thuế; dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ khi có ít nhất một người có chứng chỉ kế toán viên.

Đại lý thuế có quyền, nghĩa vụ: thực hiện các dịch vụ với người nộp thuế theo thỏa thuận trong hợp đồng; tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan trong hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; chịu trách nhiệm trước pháp luật và chịu trách nhiệm trước người nộp thuế về nội dung dịch vụ đã cung cấp.

Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế quy định đại lý thuế sẽ bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế nếu thuộc 1 trong 5 trường hợp sau: Không có ít nhất 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp trong 3 tháng liên tục; Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế theo quy định; Tiết lộ thông tin gây thiệt hại vật chất, tinh thần, uy tín của người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế (trừ trường hợp người nộp thuế đồng ý hoặc pháp luật có quy định); Sử dụng, quản lý nhân viên đại lý thuế không đúng theo quy định tại Thông tư này; Không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định từ 15 ngày trở lên so với thời hạn báo cáo hoặc thời hạn thông báo của cơ quan thuế.

Hà Linh

Tạp chí in số tháng 7/2021
Bạn đang đọc bài viết Đại lý thuế cần xây dựng thương hiệu và đạo đức hành nghề tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan