Đất vàng có phải là “miếng mồi ngon” để doanh nghiệp cổ phần hóa?
TCDN - Ngày 24/11, tại hội thảo về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN), chỉ ra những bất cập, vướng mắc sau nhiều năm thực hiện chủ trương này.
Theo ông Tiên, những vướng mắc về thể chế còn chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình còn nhiều bất cập. Tình trạng quản lý, sử dụng đất còn lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, gây thất thoát, lãng phí tài sản, ngân sách nhà nước.
GS.TS Đoàn Xuân Tiên dẫn chứng, chỉ qua 16 doanh nghiệp, KTNN đã xác định giá trị thực tế vốn nhà nước theo phương pháp tài sản tăng tới 15.447,68 tỷ đồng. Hay khi bắt tay vào kiểm toán quyết toán giá trị phần vốn nhà nước với 45 doanh nghiệp sau cổ phần, KTNN phát hiện nhiều vi phạm, đồng thời xác định tăng giá trị thực tế vốn nhà nước hơn 1.576 tỷ đồng. Do vậy, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải rõ thực trạng, từ đó có những giải pháp ngăn chặn tình trạng “lợi ích nhóm”, gây thất thoát lãng phí, giảm năng lực phát triển của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có 7 đơn vị được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Như vậy, giai đoạn từ 2016 đến tháng 9/2020 đã có 178 doanh nghiệp được phê duyệt với tổng giá trị 443.537 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa còn chậm, đến nay mới chỉ đạt 28% kế hoạch. Đặc biệt, các “ông lớn” như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Agribank...hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để xác định giá trị doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chỉ ra, nguyên nhân quan trọng khiến tiến trình CPH chậm trễ là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Có một số DN CPH chỉ vì đất, trong đó có những mảnh là đất "vàng", đất "kim cương". Trong nhiều trường hợp, đất đai là “miếng mồi ngon” để nhà đầu tư tích cực tham gia quá trình CPH.
“Nhiều sai phạm gây thất thoát tài sản nhà nước từ khâu xác định giá trị đất khi CPH trong quá khứ khiến công tác này không thể xem nhẹ. Bên cạnh việc sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường vai trò của KTNN trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN là rất quan trọng”, TS Vũ Đình Ánh nói.
Theo ông Vũ Đức Nguyên - hội viên ACCA (Hiệp hội Kế toán công chứng Anh), Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cổ phần hóa đem lại cơ hội cung cấp dịch vụ công đạt được mục tiêu và hiệu quả cao, kích thích nền kinh tế ở diện rộng hơn, cho phép chuyển rủi ro từ nhà cung cấp khu vực công sang khu vực tư nhân; cung cấp cơ hội đảm bảo đầu tư vào khu vực tư nhân trong việc cung cấp các dịch vụ. Tuy nhiên, cổ phần hóa DNNN cũng đem lại những rủi ro lớn về việc có thể định giá các DNNN thấp hơn giá trị thực. Điều này dẫn đến không thể phục hồi lại giá trị DN và Nhà nước mất đi sự kiểm soát đối với các dịch vụ hoặc chức năng ở khu vực công đã cổ phần hóa.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cổ phần hóa không nên được xem như là “giải pháp vàng” hoặc giải pháp chữa trị thần kỳ cho các hoạt động công - DNNN vốn dĩ đã không hiệu quả. Việc đa dạng hóa sở hữu giúp cải thiện việc ra quyết định của DN, áp dụng các thực tiễn kinh doanh phù hợp hơn và nguồn vốn đa dạng hơn, tuy nhiên cơ hội chỉ có thể hiện thực hóa nếu có chiến lược, giải pháp cải cách quản trị DN hiệu quả hỗ trợ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899