Đề nghị bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế trong Luật Các tổ chức tín dụng
TCDN - Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề nghị bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế vào Điều 11 của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, bên cạnh các trách nhiệm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Góp ý tại dự án Luật Các tổ chức tín dụng, đại biểu Thịnh cho hay, tổ chức tín dụng có 3 chức năng cơ bản: nhận tiền gửi, cho vay và làm trung gian thanh toán. Phần lớn tài sản cũng như hoạt động của tổ chức, cá nhân được lưu giữ và thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng, nhất là trong xã hội hiện nay, khi thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến.
Theo đại biểu Thịnh, chúng ta đều biết về các nhận định sau, một là, một xã hội sẽ thượng tôn pháp luật hơn nếu các quyết định xử phạt hành chính đều được các đối tượng bị xử phạt tuân thủ nghiêm túc. Hai, một nền kinh tế sẽ năng động, hiệu quả hơn khi các giao kết kinh tế đều được các bên nỗ lực tuân thủ. Ba là, để quản lý được thuế thì phải quản lý được doanh thu có khả năng chịu thuếĐ
“Ba nhận định này có liên quan chặt chẽ đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, vì nếu mỗi một tổ chức tín dụng có chung một chuẩn hệ thống thông tin lưu giữ về khách hàng gắn với số căn cước công dân hoặc mã số thuế của tổ chức, cá nhân thì nhà nước sẽ có cơ sở để buộc mỗi tổ chức, cá nhân chịu thiệt hại về kinh tế nếu bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như vi phạm các giao kết dân sự, từ đó buộc mỗi tổ chức, công dân phải tự ý thức tuân thủ pháp luật. Còn doanh thu có khả năng chịu thuế chính là tổng phát sinh có của các tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân mở tại các ngân hàng thương mại hoặc tại chi nhánh các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam”, đại biểu Thịnh nhấn mạnh.
Do đó, đại biểu đề nghị, bổ sung trách nhiệm chống thất thu thuế vào Điều 11 của dự thảo luật, bên cạnh các trách nhiệm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Cùng với đó, bổ sung mục 8 quy định về hệ thống thông tin khách hàng vào Chương IV hoạt động của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nhánh nước ngoài, với tinh thần hệ thống thông tin khách hàng được bảo mật nhưng quy định cấu trúc thông tin chuẩn gắn với số căn cước công dân, mã số thuế của tổ chức, cá nhân để đảm bảo khi cần cơ quan chức năng sẽ tra cứu được tất cả các tài khoản của một tổ chức, công dân cũng như có được dữ liệu về phát sinh có của tài khoản thanh toán của mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế.
Đại biểu Thịnh cho rằng, mục này cũng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tổ chức, cá nhân, mở tài khoản để đảm bảo tính chính danh của tài khoản, vì nếu không chính danh sẽ là yếu tố quan trọng dẫn đến động cơ cho các hành vi phạm pháp của tổ chức và cá nhân.
Về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại chương XI, đại biểu Thịnh chia sẻ, Điều 185 và Điều 189 liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm có hoặc không có gắn với quyền sử dụng đất như dự thảo sẽ chưa giải quyết được 2 tình huống đang xảy ra trong thực tế hiện nay, đó là tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng người bảo đảm đang nợ tiền thuê đất hoặc tiền sử dụng đất và các khoản thu khác như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền chậm đưa đất vào sử dụng, tiền phạt chậm nộp hoặc sau khi tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm đó sau một thời gian mới chuyển nhượng thì kể từ thời điểm nhận tài sản bảo đảm gắn liền với đất, nghĩa vụ tài chính về đất đai có thuộc trách nhiệm của tổ chức tín dụng hay không? Việc không đưa đất vào sử dụng theo Luật Đất đai trong giai đoạn cầm giữ tài sản của tổ chức tín dụng có bị tính tiền phạt hay không?
Để giải quyết được tình huống này, tôi đề xuất, bên mua khoản nợ hoặc tổ chức tín dụng khi nhận tài sản bảo đảm gắn liền với quyền sử dụng đất thì không phải nhận các nghĩa vụ về thuế, phí, khoản chậm nộp liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân có tài sản bảo đảm tính từ thời điểm nhận tài sản trở về trước.
Đồng thời, đại biểu kiến nghị quy định thêm trong thời gian tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm nhưng chưa xử lý thì có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với quyền sử dụng đất có tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật và không bị tính tiền phạt chậm đưa đất vào sử dụng nếu có.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899