Đề nghị chưa áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
TCDN - Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA), cho rằng hiện nay Chính phủ đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế VAT và tiền thuê đất. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Tại Tọa đàm Thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát, TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường có thể khiến người tiêu dùng hướng tới việc chọn lựa các sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường và calo cao hơn như nước ép, sản phẩm cacao…
Cùng với đó, việc bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế có thể sẽ tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống thay thế không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lập phát triển, vốn rất phổ biến trên thị trường và có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.
Do đó, ông Việt đề nghị cân nhắc lại lộ trình tăng thuế cho cả ngành bia lẫn nước giải khát (nếu thông qua áp dụng). Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và cần nhiều sự hỗ trợ, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các kịch bản cao và áp dụng ngay sẽ tác động mạnh đến ngành đồ uống và đến toàn bộ nền kinh tế.
“Việc tăng thuế đột ngột cao có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025 và mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo theo”, ông Việt nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng lý do áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường vì gây thừa cân, béo phì là "chưa rõ ràng và thuyết phục". Bà cũng chỉ ra rằng các sản phẩm như nước sấu, trà sữa tự pha với hàm lượng đường cao lại không bị đánh thuế, điều này tạo ra sự thiếu công bằng.
Theo bà Cúc, một số quốc gia như Thái Lan đã áp thuế đối với các mặt hàng có đường. Tại Việt Nam, vấn đề này đã được bàn thảo nhiều lần nhưng vẫn chưa chính thức đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế.

TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR).
“Hiện nay Chính phủ đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm giảm thuế VAT và tiền thuê đất. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và tạm thời hoãn áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”, Chủ tịch VTCA kiến nghị.
Đồng thời bà Nguyễn Thị Cúc cũng nhấn mạnh, việc áp thuế đối với các mặt hàng cần phải tính toán hài hòa các mục tiêu. Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng nhưng cũng cần tính toán để doanh nghiệp có điều kiện sản xuất kinh doanh, đóng góp thuế ngân sách nhà nước. Cùng với đó phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học về vấn đề nước giải khát có đường gây bệnh thừa cân béo phì.
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ US-ASEAN (US ABC) chỉ rõ, Việt Nam chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức, diễn biến khó lường, đơn cử như việc Tổng thống Donal Trump bất ngờ áp thuế đối ứng rất cao đối với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ có thể dẫn đến các biện pháp đáp trả trong tương lai gây hỗn loạn thị trường thương mại thế giới và tác động mạnh tới thị trường Việt Nam.
“Hiện tại, Chính phủ và các Bộ ngành đang tích cực khẩn trương xây dựng kế hoạch ứng phó. Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay. Một trong những mũi nhọn, động lực để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số cho giai đoạn tiếp theo là “đẩy mạnh xuất khẩu” sẽ bị tác động nặng nề. Vì vậy, cần phải em xét các động lực bền vững từ chính các sức mại nội tại của Việt Nam trong đó có đầu tư từ khu vực tư nhân, kích cầu tiêu dùng trong nước và hỗ trợ các chính sách cho các doanh nghiệp để có thể đóng góp vào động lực tăng trưởng, giúp đạt mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra”, ông Đức bày tỏ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899