Thuế đối ứng: Giải pháp pháp lý về hợp đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu

04/04/2025, 15:37
báo nói -

TCDN - Chính sách thuế đối ứng mới này của chính phủ Mỹ sẽ có tác động sâu rộng, toàn diện, nhiều chiều đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu lớn. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và phòng ngừa rủi do bằng cách đưa các điều khoản cần thiết để bảo vệ mình vào trong hợp đồng.

Bối cảnh thực hiện hợp đồng:

Ngày 2/4/2025, Mỹ đã đưa ra mức thuế đối ứng (reciprocal tariffs) đối với Việt Nam và các nền kinh tế khác. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm có mức thuế đối ứng cao nhất lên tới 46%.

Trong bối cảnh đó, đối với các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu lớn - đặc biệt là doanh nghiệp trong thuộc vực điện tử, dệt may, giày dép và đồ gỗ - sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Để thực hiện các hợp đồng đã ký, nhất là với các hợp đồng lớn, có giá cố định và thời gian thực hiện dài, đó là một thách thức không nhỏ với nhóm doanh nghiệp nói trên. Bởi lẽ, chính sách thuế này sẽ tác động tới cả chuỗi cung ứng, gây tăng giá đối với đầu vào do thuế tăng, tỷ giá tăng, chi phí logistic tăng. Việc này sẽ làm  làm cho doanh nghiệp không có lãi, đơn hàng giảm hoặc mất đơn hàng, sức cạnh tranh giảm.  

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nhưng một khi đã ký hợp đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và đối tác của mình đã tạo ra “luật” chơi riêng của mình, mà ở đó, doanh nghiệp không thể không thực hiện các nội dung đã thoả thuận. Nếu doanh nghiệp không thực hiện, sẽ bị đối tác áp dụng các chế tài để xử lý.

Vậy đâu là cơ chế pháp lý cho doanh nghiệp trong thực hiện hợp đồng với bối cảnh này?

Về mặt lý thuyết, doanh nghiệp có thể nghiên cứu áp dụng một trong các cơ chế được thừa nhận bởi nhiều hệ thống pháp luật[i] và trong thương mại quốc tế, đó là:  “Bất khả kháng” (Force majeure); “Miễn trách” (Exemption from liability) và “Thay đổi hoàn cảnh cơ bản” (Hardship).

“Bất khả kháng” (Force Majeure): Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.[ii]

“Miễn trách” (Exemption from liability): "Một bên không phải chịu trách nhiệm (được miễn trách) đối với việc không thực hiện nghĩa vụ của mình nếu chứng minh được rằng việc không thực hiện là do trở ngại vượt ngoài tầm kiểm soát..."[iii]

CIGS 1980 mặc dù không định nghĩa về “bất khả kháng” nhưng khái niệm “miễn trách” ở đây có thể coi là tương đồng với “bất khả kháng”.

“Thay đổi hoàn cảnh cơ bản” (Hardship): Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình; [iv]

Định nghĩa về Hardship tại ĐIỀU 6.2.2 Unidroit principle 2016

“Có khó khăn khi sự kiện xảy ra làm thay đổi cơ bản sự cân bằng của hợp đồng hoặc do chi phí thực hiện của một bên tăng lên hoặc do giá trị thực hiện mà một bên nhận được giảm đi và

(a) Các sự kiện xảy ra hoặc được bên bị thiệt thòi biết đến sau khi ký kết hợp đồng;

(b) Các sự kiện không thể được bên bị thiệt thòi tính đến một cách hợp lý tại thời điểm ký kết hợp đồng;

(c) Các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của bên bị thiệt thòi; và

(d) Rủi ro của các sự kiện không được bên bị thiệt thòi chịu.”

Phụ thuộc vào nội dung hợp đồng đã ký và hệ thống pháp luật điều chỉnh mà các bên đã chọn, doanh nghiệp có thể áp dụng: 9i) tạm ngừng hợp đồng; (ii) đàm phán điều chỉnh điều khoản về giá; (iii) đàm phán điều chỉnh điều khoản giao hàng; (iv) đàm phán lại toàn bộ hợp đồng; (v) chấm dứt hợp đồng. Nhưng việc viện dẫn và áp dụng thành công một trong các cơ chế này đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng.

Khuyến nghị:

Việc áp dụng “Bất khả kháng” trong tình huống này có vẻ sẽ gặp nhiều thách thức hơn việc áp dụng “Thay đổi hoàn cảnh cơ bản”. Bởi lẽ:  việc chính phủ Mỹ đưa ra mức thuế trên có thể có sự bất ngờ về thuế suất nhưng không phải là không có những đấu hiệu cho chúng ta lường trước về việc chính sách thuế này có thể được đưa ra.

Các dấu hiệu cho phép lường trước trước chính sách thuế đối ứng của chính phủ Mỹ có thể được đưa ra gồm:

(i) Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Trump cũng đã áp dụng đối với một số mặt hàng có xuất sứ từ Trugn Quốc;

(ii) Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế quan 25% lên Canada và Mexico trong thời điểm cách đây không xa (27/2/2025);

(iii) Trump đã có những tuyên bố về khả năng sẽ áp dụng các chính sách thuế đối với đối tác thương mại trước đó.

Việc có thể lường trước, dẫn đến sự loại trừ trong việc áp dụng “bất khả kháng”.

Do đó, việc áp dụng“Thay đổi hoàn cảnh cơ bản” có vẻ phù hợp hơn trong bối cảnh này. Bởi lẽ:

(i) Sự kiện áp thuế đối ứng xảy ra sau khi các bên ký hợp đồng;

(ii) Mặc dù có cơ sở để dự đoán khả năng bị áp thuế nhưng mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam là vượt xa mọi dự đoán của mọi doanh nghiệp Việt Nam. Doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam hoàn toàn bất ngờ về mức thuế quan này.

(iii) Việc Mỹ áp thuế đối ứng ở mức rất cao với Việt Nam và nhiều quốc gia khác ảnh hưởng xấu tới cả chuỗi cung ứng, đầu vào của sản xuất và tỷ giá, gây nên sự mất cân bằng nghiêm trọng cho hợp đồng đã ký của doanh nghiệp.

Chính sách thuế mới này của chính phủ Mỹ sẽ có tác động sâu rộng, toàn diện, nhiều chiều đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu lớn. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu và phòng ngừa rủi do bằng cách đưa các điều khoản cần thiết để bảo vệ mình vào trong hợp đồng.

[i] Điều 6.2.2 Unidroit principles 2016; Điều 79.1 CIGS 1980; Clause 2003 ICC2020[ii] Điều 156, BLDS 2015[iii] CISG 1980[iv] Điều 156, BLDS 2015

LS Phan Huy Đức
Bạn đang đọc bài viết Thuế đối ứng: Giải pháp pháp lý về hợp đồng cho doanh nghiệp xuất khẩu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Việt Nam 'lấy làm tiếc' trước mức thuế đối ứng 46% của Hoa Kỳ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu rõ, Việt Nam lấy làm tiếc trước việc Hoa Kỳ công bố quyết định áp mức thuế đối ứng 46% lên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và tin rằng quyết định trên chưa phù hợp với thực tế hợp tác kinh tế - thương mại cùng có lợi giữa hai nước.