Trường Đại học Kinh tế quốc dân:

Đề xuất ba giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản

01/11/2024, 10:43

TCDN - Khơi thông nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng; phát triển dòng vốn từ trái phiếu bất động sản (BĐS); thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường... là các giải pháp được Trường Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra để tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường này.

dl.2

Hiện dòng vốn chảy vào thị trường BĐS Việt Nam đến chủ yếu vào từ kênh tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và huy động của khách hàng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp BĐS vẫn đối mặt với không ít khó khăn, trong đó có việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Tại phiên thảo luận ngày 28/10, về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”, một số đại biểu phản ánh về tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Trả lời trước Quốc hội chiều ngày 28/10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng giải thích nguyên nhân một số doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận được nguồn tín dụng: Theo quy định hiện hành, các tổ chức tín dụng (TCTD) được tự ra quyết định cấp tín dụng cho khách hàng cũng như tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất, kỳ hạn vay. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường khác, khi cho vay, các TCTD ngoài mục tiêu lợi nhuận còn phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo khả năng thu hồi vốn, khả năng chi trả cho người gửi tiền. Việc này không chỉ nhằm đảm bảo an toàn của TCTD đó mà còn để đảm bảo an toàn hệ thống và cả nền kinh tế.

“Chính vì vậy, có những dự án BĐS khả thi, có khả năng trả nợ nhưng ngân hàng vẫn phải từ chối cho vay nếu không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. Hiện nay, hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu thị trường BĐS chủ yếu lại là vay dài hạn”, Thống đốc cho biết.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường, hướng đến việc huy động các nguồn vốn dài hạn và bền vững cho thị trường BĐS, các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân kiến nghị ba giải pháp. Đó là: Thứ nhất, khơi thông nguồn vốn từ tín dụng ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cần ban hành các tiêu chí cho vay phù hợp đối với các loại BĐS khác nhau, hạn chế tập trung tín dụng quá nhiều vào các dự án BĐS, nhà ở cao cấp; tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Đồng thời, việc mở rộng tín dụng cần đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh trong lĩnh vực BĐS.

Thứ hai, phát triển dòng vốn từ trái phiếu BĐS. Bộ Tài chính cần rà soát tình trạng tài chính (bao gồm tài sản, nợ, dòng tiền) của các công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đang gặp khó khăn nhằm hỗ trợ, theo dõi các biện pháp thực hiện các nghĩa vụ nợ trong thời gian tới. Với trái phiếu BĐS đăng ký phát hành mới, các cơ quan quản lý giám sát cần tăng cường theo dõi, giám sát các trường hợp doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có liên quan phát hành TPDN khối lượng lớn.

Thứ ba, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo kênh huy động vốn dài hạn cho thị trường BĐS. Cần thúc đẩy và thu hút nguồn vốn đầu tư nước vào lĩnh vực BĐS, tái cấu trúc nguồn vốn, đẩy mảnh M&A dự án BĐS với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cần khuyến khích sự phát triển của các nhà đầu tư có tổ chức trên thị trường BĐS thông qua việc thúc đẩy sự phát triển của các Quỹ đầu tư BĐS để đa dạng hóa các kênh huy động vốn cho thị trường BĐS, nhằm giảm dần  sự  phụ  thuộc  vào  nguồn  vốn  huy  động  từ  các tổ chức tín dụng và thị trường TPDN.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất ba giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho thị trường bất động sản tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Hạ tầng đồng bộ giúp bất động sản khu Tây Tp.HCM bứt tốc
Nằm ở vị trí giao thoa giữa Đồng bằng sông Cửu Long và Tp.HCM, vùng phụ cận phía Tây Tp.HCM được ví như "cánh cửa" kết nối hai vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nay, hạ tầng giao thông không ngừng đầu tư và hoàn thiện, mở ra những cơ hội mới cho kinh tế - xã hội.
Bộ Xây dựng: Giá bất động sản tiếp tục tăng
Tại một số đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM thì giá bất động sản tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4 - 6% theo quý và từ 22 - 25% theo năm. Có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35 - 40% so với quý trước.