Đề xuất mặt hàng phân bón vào danh mục chịu thuế VAT và cần Quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng

10/11/2021, 07:48

TCDN - Đề xuất Quốc hội, Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào danh mục chịu thuế VAT, giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và cần sớm có Quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo, cá tra...

san-pham-npk-phu-my-16152592301291810860085-crop-1615259563362578661444

Bộ Công Thương cho biết, giải pháp bình ổn giá phân bón và vật tư nông nghiệp là lĩnh vực luôn được Bộ Công Thương chú trọng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo dõi, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để kịp thời đề xuất, áp dụng nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất có lãi, qua đó nâng cao đời sống ở khu vực nông thôn. 

Tuy nhiên thời gian qua, giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhập khẩu và chi phí vận tải logistics do giãn cách xã hội tăng cao. 

Trong khi mặt hàng phân bón không thuộc danh mục chịu thuế VAT nên các nguyên vật liệu đầu vào không được khấu trừ thuế cũng làm tăng giá thành sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng phân bón của thế giới tăng cao do đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp như đã làm thời gian qua, đồng thời tiếp tục phối hợp tốt hơn các bộ, ngành, địa phương để có các giải pháp hiệu quả hơn trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm. 

Qua đó, Bộ Công Thương đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thuế giá trị gia tăng để mặt hàng phân bón được bổ sung vào danh mục chịu thuế VAT, giúp cho mặt hàng này có cơ hội giảm giá và nâng cao năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. 

lua-he-thu-1782021

Tại buổi thảo luận về kế hoạch phát triển KT-XH và công tác phòng chống dịch chiều 9/11, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (An Giang) cho hay: Lâu nay chúng ta vẫn xác định nông nghiệp là nền tảng, là bệ đỡ để nền kinh tế phát triển tốt nhưng bản thân của nền nông nghiệp lại luôn gặp nhiều khó khăn và những bất cập.

Đại biểu Sinh nêu thêm thông tin một vài con số liệu từ thực tiễn mà bản thân đã thu thập được như trong vụ đông xuân 2020-2021 chi phí phân, thuốc cho 1ha khoảng 12-12,5 triệu đồng. Với giá lúa cao của mùa vụ đó dao động từ 7.000-7.400 đồng/kg thì người dân sản xuất đạt năng suất từ 2,3-2,5 tấn/ha thì hòa vốn, nếu từ 2,5 tấn/ha trở lên thì có lợi nhuận.

Vụ hè thu, chi phí phân bón, thuốc cho 1ha vào khoảng 13,4 - 13,5 triệu đồng. Với giá lúa của mùa vụ đó dao động từ 5.400 - 6.000 đồng/kg thì người dân cần sản xuất đạt sản lượng từ 3,1 - 3,4 tấn/ha sẽ hòa vốn, nếu sản xuất trên 3,5 tấn/ha thì có lợi nhuận...

Từ những tâm tư của người nông dân, cử tri, đại biểu An Giang đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành cần có giải pháp bình ổn giá nguyên liệu đầu vào trong sản xuất nông nghiệp như là vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm sinh học... để giúp cho người nông dân sản xuất có lợi nhuận trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay.

Đại biểu tỉnh An Giang cho rằng cần sớm có Quỹ bình ổn giá đối với sản phẩm lúa gạo và cá tra vì đây là một trong những sản phẩm chiến lược của quốc gia, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh An Giang nói riêng nhằm giúp cho ngành hàng lúa gạo và ngành hàng cá tra tránh được những tác động bất lợi của thị trường, đưa các ngành hàng này phát triển bền vững trong thời gian tới.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất mặt hàng phân bón vào danh mục chịu thuế VAT và cần Quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan