Đề xuất sử dụng ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân
TCDN - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025".
Dự thảo nêu rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025" ban hành kèm theo theo Quyết định số 167/QĐ- TTg ngày 08/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167).
Theo đó, quy trình lập, quyết định, giao dự toán, chấp hành và kế toán, kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình 167 theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn thi hành và văn bản pháp luật liên quan; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, khả thi, tiết kiệm, không trùng lắp hoạt động và lồng ghép tối đa vào các chương trình khác có mục tiêu phù hợp với Chương trình 167; đảm bảo đúng đối tượng, nội dung chi, định mức chi, mức hỗ trợ quy định tại các văn bản pháp luật liên quan.
Các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình 167 chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành các quy định tại Thông tư này; tính hợp lý, hợp lệ, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng kinh phí; tính trung thực, chính xác, minh bạch, đầy đủ pháp lý của hồ sơ, chứng từ liên quan; thu, chi, hạch toán, quyết toán và lưu trữ hồ sơ theo đúng chế độ quy định.
Theo dự thảo, các nội dung chi gồm: Xây dựng tài liệu về kinh doanh bền vững gồm: bộ công cụ đánh giá mô hình kinh doanh bền vững; các ấn phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết); các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm văn học nghệ thuật (tranh, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, bảng điện tử); tài liệu, ấn phẩm dưới dạng chương trình truyền hình.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm theo các hình thức trực tiếp, hoặc trực tuyến, hoặc kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và thực tiễn tốt về kinh doanh bền vững và các mô hình kinh doanh bền vững, tập huấn, hướng dẫn, phổ biến các tài liệu quy định; kết nối doanh nghiệp kinh doanh bền vững với các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư, kết nối các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp thành công điển hình trong nước và quốc tế.
Tổ chức khoá bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững.
Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững.
Mức chi: Xây dựng tài liệu: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và các văn bản pháp luật có liên quan.
Mức chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Mức chi tổ chức khóa bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác hỗ trợ, quản lý về kinh doanh bền vững: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 06/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC.
Mức chi xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh bền vững: thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP và Điều 11, khoản 2 Điều 14 Thông tư số 52/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899