Đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán và bất động sản

04/01/2022, 13:19

TCDN - Một số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng.

Thẩm tra tờ trình dự thảo nghị quyết về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế đồng tình với việc miễn giảm một số loại thuế, phí, trong đó giảm thuế giá trị gia tăng 2% áp dụng cho các mặt hàng chịu thuế suất 10%.

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế lưu ý tập trung vào các ngành và lĩnh vực cần được kích cầu, có tác dụng lan tỏa, cần loại trừ các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán và bất động sản. (Ảnh minh họa)

Đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán và bất động sản. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng Chính phủ cũng cần tăng thuế với một số mặt hàng hạn chế tiêu dùng. Đặc biệt, lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và một số hình thức kinh doanh qua mạng được đề xuất tăng thuế.

"Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc quy mô, liều lượng của việc miễn, giảm thuế. Nhiều ý kiến đề xuất tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản, lĩnh vực kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số hoặc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng cần hạn chế tiêu dùng", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội.

Đối với chính sách cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp và tổ chức cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, đa số ý kiến cho rằng vấn đề huy động xã hội hóa trong giai đoạn tới chưa được đánh giá kỹ lưỡng.

Việc tính toán chi phí thực tế được khấu trừ có nhiều rủi ro. Do đó, Ủy ban đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về chính sách hỗ trợ lãi suất, đa số ý kiến nhất trí. Tuy nhiên, Ủy ban cho rằng cần tập trung vào một số ngành và lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi hoặc được bảo lãnh tín dụng.

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đánh giá cần chú trọng khoản vay tạo dư địa cho phục hồi và phát triển như việc cải tạo chung cư cũ; xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…

“Phải quy định rõ đối tượng, phạm vi, điều kiện vay vốn; kiểm soát chặt chẽ, tránh trục lợi chính sách”, báo cáo nêu.

Về tăng bội chi ngân sách, Ủy ban Kinh tế tán thành việc chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1-1,2% GDP trong 2 năm 2022-2023.

Về huy động nguồn lực, đa số ý kiến tán thành với giải pháp Chính phủ đã đưa ra. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, Ủy ban đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể khả năng vay và trả nợ quốc gia cũng như các phương án huy động vốn theo lộ trình cụ thể, khả năng hấp thụ vốn.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ việc phát hành trái phiếu Chính phủ bằng ngoại tệ chỉ thực hiện trong trường hợp cấp bách và phải báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời phải tính toán kỹ chi phí huy động, tác động đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và thanh khoản ngoại tệ. Việc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước cần có phương án cụ thể.

Mai Anh
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tăng thuế giao dịch chứng khoán và bất động sản tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân của người giàu
Để giảm áp lực lên tài khóa, cần thay đổi một số chính sách thuế trong thời gian 2 năm: tăng mức thuế đánh lên các giao dịch chứng khoán để hạn chế hoạt động mang tính đầu cơ; nghiên cứu khả năng tăng đánh thuế thu nhập cá nhân của người giàu để chia sẻ với người nghèo trong thời kỳ khó khăn.
Tăng thuế xuất khẩu cát tự nhiên, giảm thuế suất đồ trang sức
Thuế xuất khẩu đối với các loại cát tự nhiên, đã hoặc chưa nhuộm màu sẽ được điều chỉnh mức thuế suất từ 0% lên 10% và 30%. Đồ trang sức và các bộ phận của đồ trang sức, bằng kim loại quý, đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc… sẽ được giảm thuế suất còn 0% và 1%.