Đề xuất tiếp tục giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu

20/05/2022, 15:58

TCDN - TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Chia sẻ tại Hội thảo Công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 ngày 20/5 với chủ đề: “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”, TS Nguyễn Quốc Việt khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo đó, Chính phủ cần xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là “ổn định kinh tế vĩ mô”, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả về chính trị, xã hội để từ đó phục hồi nền kinh tế. Các chính sách cần đảm bảo linh hoạt để có thể giúp nền kinh tế phản ứng nhanh trước những biến động nhanh chóng của nền kinh tế thế giới. Các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

“Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng. Cần tiếp tục triển khai hiệu quả hơn các gói hỗ trợ cho nền kinh tế, hướng vào các ngành có tác động tràn tích cực. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đúng đối tượng và thiết thực hơn”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, theo VEPR, hiện nay các hỗ trợ thường thông qua giảm mức thu các loại phí, lệ phí và đang được thực hiện một cách dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây ra lãng phí ngân sách. Do vậy, Chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng, hướng vào các doanh nghiệp có năng lực và khả năng lan toả cao và tập trung vào hai khó khăn lớn với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng.

Các khoản hỗ trợ để giúp doanh nghiệp giảm chi phí có thể hướng vào những khía cạnh như kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế; giảm tiền thuê đất; giảm cước và chi phí logistics; giảm tiền điện, nước, viễn thông… Từ đó giúp doanh nghiệp cắt giảm các loại chi phí trong bối cảnh chi phí đầu vào, logistics đều tăng mạnh, đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu và ổn định chuỗi cung ứng. Các khoản chi hỗ trợ này chính là đầu tư cho tương lai để đạt mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn, nên cần hỗ trợ tối đa trong khả năng cho phép của khuôn khổ tài khóa trung hạn nhằm vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa duy trì lòng tin của công chúng vào khuôn khổ chính sách tài khóa.

Song song với việc đẩy mạnh chi tiêu, VEPR cho rằng cần tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đầu tư công. Cụ thể, cần nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi ngân sách. Hoàn thiện cơ chế về quản lý ngân sách, quản lý nợ công, tài sản công, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước theo hướng công khai, minh bạch và tăng trách nhiệm giải trình. Chú trọng nâng cao tính pháp lý và năng lực giám sát độc lập tài chính công cho các cơ quan tham gia vào mạng lưới giám sát tài chính công.

Đáng chú ý, theo VEPR, Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được đánh giá chính thức của Chính phủ và nhất là khả năng lạm phát trong các quý đầu năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước.

Đặc biệt, cần nghiên cứu để giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ, đặc biệt trong giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay, nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Đối với chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế, tiếp tục cân bằng giữa lạm phát và rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Cần đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán nhưng cần công khai minh bạch thông tin và giao dịch và đẩy mạnh sự chuyên nghiệp của các chủ thể tham gia thị trường.

Theo VERP, trước nguy cơ dòng tiền trong nền kinh tế có thể chưa đi vào sản xuất mà chảy vào các thị trường tài sản, để dòng vốn thật có thể quay lại vào đầu tư sản xuất - kinh doanh cần đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn và rào cản không đáng có cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Lý giải về điều này, TS Việt cho rằng, trong số các gói chính sách phục hồi tăng trưởng, các chính sách thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh mặc dù được đề cập sau cùng nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng để kéo lại niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy dòng vốn lành mạnh trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó hạn chế các nguy cơ bong bóng tài sản, đặc biệt là bất động sản như thời gian qua.

Ngoài ra, trong bối cảnh vừa chịu những khó khăn dịch bệnh, vừa chịu áp lực chi phí đầu vào tăng cao, để kích thích việc duy trì sản xuất kinh doanh thì nên áp dụng thực chất các chính sách miễn, giãn, hoãn và cho vay ưu đãi với các nhóm ngành/doanh nghiệp có sản xuất thực ở trong nước, nhất là những ngành tạo giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu, hoặc ngành hàng có sản xuất trong nước có thể dần thay thế các mặt hàng nhập khẩu xa xỉ.

Huyền Châu
Bạn đang đọc bài viết Đề xuất tiếp tục giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan