Đến năm 2025, 80% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính vận hành mô hình tòa soạn hội tụ
TCDN - Bộ Tài chính đặt mục tiêu tới năm 2025, 80% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Bộ Tài chính vừa ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo Kế hoạch, đến năm 2025, 70% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 50% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
80% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.
Đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 30% đơn vị báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
100% Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí. 100% đơn vị báo chí điện tử có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.
Đến năm 2030, 100% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước). 90% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.
100% đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Đơn vị báo chí thuộc Bộ Tài chính tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 50% đơn vị báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.
Để hoàn thành mục tiêu trên, Bộ Tài chính đưa ra loạt nhiệm vụ, giải pháp như rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách: xây dựng kế hoạch chuyển đổi số báo chí của đơn vị báo chí. Ban hành chế độ, chính sách nhất quán (không có sự khác biệt/chênh lệch) cho nhân viên, không phân biệt hình thức làm việc trực tiếp tại đơn vị hay làm việc từ xa.
Nâng cao nhận thức cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các đơn vị báo chí về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số quốc gia. Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.
Phát triển các sản phẩm báo chí số trong đó thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.
Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.
Đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số (cá nhân hóa nội dung/đa nền tảng/báo chí di động/báo chí xã hội/báo chí dữ liệu/báo chí sáng tạo/báo chí thị giác/siêu tác phẩm báo chí,...).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu phát triển hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin. Nghiên cứu và xây dựng kho lưu trữ chung để kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu số của đơn vị báo chí (video, hình ảnh và âm thanh,...). Nghiên cứu và xây dựng ứng dụng các phần mềm để nâng cao tốc độ biên tập, sản xuất tin bài, dễ dàng tác nghiệp từ xa; hoặc hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện; ứng dụng phần mềm trực tuyến giúp phóng viên, biên tập viên dễ dàng xử lý thông tin mọi lúc, mọi nơi.
Thực hiện phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có (trang web, mạng xã hội uy tín và các nền tảng công nghệ số trong nước...) hoặc trên các nền tảng tự xây dựng, vận hành (trang web, mobile, tablet, smartTV, ...).
Nghiên cứu và xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) trong quá trình sản xuất, phân phối nội dung. Nghiên cứu và xây dựng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung vào các quy trình nghiệp vụ của tòa soạn và các bộ phận khác để tối ưu hóa hoạt động. Nghiên cứu và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các quy trình nghiệp vụ của đơn vị báo chí. Phát triển kênh thông tin riêng trên mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube,...
Sử dụng giải pháp/nền tảng hỗ trợ không gian làm việc ảo (Skype, Zoom... hoặc ứng dụng tương đương khác). Ứng dụng công nghệ để phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí…
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực như tổ chức các hoạt động (tập huấn/đào tạo/bồi dưỡng) nâng cao nhận thức/kỹ năng cơ bản/cần thiết liên quan về chuyển đổi số báo chí cho các đơn vị báo chí thuộc Bộ.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí cho các đối tượng lãnh đạo/hoặc quy hoạch Lãnh đạo đơn vị báo chí, trong đó có nội dung về chuyển đổi số báo chí. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao ý thức, trình độ bảo mật, an toàn, an ninh mạng cho các đơn vị báo chí thuộc Bộ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899