Dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm 9,7%

16/05/2020, 08:03

TCDN - Theo Roi-tơ và TTXVN, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 15/5 cho rằng, dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 8.800 tỷ USD, tương đương 9,7% tổng sản phẩm GDP của thế giới, gấp đôi so với dự báo trước đó.

Theo ADB, sẽ có tới 242 triệu việc làm bị mất do dịch, thu nhập của người lao động có thể bị thiệt hại tới 1.800 tỷ USD. Tuy nhiên, việc các chính phủ trên thế giới tung những gói cứu trợ có thể giúp giảm thiệt hại.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

* Bộ trưởng Y tế của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tiến hành cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/5 để thảo luận về cách khắc phục sự bùng phát dịch. Bộ Y tế Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm về việc Xơ-un cung cấp cho người dân những thông tin nhanh chóng và chính xác về dịch bệnh, quy trình nhập cảnh đặc biệt cho khách du lịch quốc tế và sử dụng các trung tâm điều trị cộng đồng dành riêng cho việc chăm sóc những người bệnh bị nhẹ hoặc không có triệu chứng.

* Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản T.Mô-tê-ghi thông báo kế hoạch mở cửa biên giới theo các giai đoạn sau khi đại dịch được kiểm soát. Ông cũng cho biết Nhật Bản sẽ dỡ bỏ các hạn chế du lịch với một số nước theo nhóm nước thay vì riêng lẻ.

* Liên quan ổ dịch lây nhiễm tập thể mới bùng phát ở khu I-tê-uôn, Chính phủ Hàn Quốc cho biết số ca dương tính với Covid-19 đã vượt 150 người. Thủ tướng Hàn Quốc nhận định vụ lây nhiễm tập thể lần này ở thủ đô Xơ-un cho thấy những điểm thiếu sót trong công tác phòng dịch. Thời gian tới, chính phủ sẽ siết chặt công tác quản lý, giám sát những nơi thường tập trung đông người.

* Chính phủ Thái-lan thông qua giai đoạn hai của quá trình nới lỏng các biện pháp phong tỏa phòng, chống dịch từ ngày 17/5 nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm có hiệu lực cho tới cuối tháng này sẽ được rút ngắn một giờ. Chính phủ Thái-lan đã lên kế hoạch cho bốn giai đoạn nới lỏng, dự kiến kéo dài trong vòng hai tháng, để hoàn toàn mở lại các hoạt động với điều kiện kiểm soát được số ca mắc Covid-19 mới.

* I-ran mở lại các cửa khẩu biên giới cho giao thương với Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan sau một thời gian tạm đóng cửa để ngăn dịch lây lan. Nhà chức trách I-ran cũng nối lại việc cấp thị thực cho các thương gia và lái xe tải của Áp-ga-ni-xtan nhập cảnh sau khi hoạt động này bị đình chỉ do dịch.

* Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn đánh giá tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ Ô-xtrây-li-a đã thực hiện thành công giai đoạn một của quá trình nới lỏng các hạn chế xã hội và kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Chính phủ đã thông qua khoản tài trợ 31 triệu USD cho kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần của người dân.

* Sáng 15/5, ba nước vùng Ban-tích là Lát-vi-a, Lít-va và E-xtô-ni-a đã mở cửa biên giới với nhau, tạo ra “bong bóng đi lại” đầu tiên trong Liên hiệp châu Âu (EU) trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá do dịch. Việc mở cửa biên giới giữa ba nước là cơ hội cho các doanh nghiệp mở cửa trở lại và giúp người dân trở lại cuộc sống bình thường.

* Quốc hội Liên bang Ðức thông qua các biện pháp hỗ trợ tiếp theo để giảm tác động của đại dịch. Bộ Lao động liên bang đề xuất tăng tiền lương sau thuế ở mức hiện tại 60% lên mức 70%. Bộ Y tế Ðức cũng quyết định tăng cường thêm nguồn lực cho các cơ sở y tế. Trong đó, 50 triệu ơ-rô sẽ được cung cấp cho 375 cơ quan y tế nhằm thúc đẩy số hóa.

* Ngày 15/5, Xlô-vê-ni-a đã mở cửa biên giới sau khi công bố hết dịch. Theo kế hoạch, các trung tâm thương mại và khách sạn tại Xlô-vê-ni-a sẽ mở cửa trở lại vào tuần tới, trong khi các trận thi đấu bóng đá sẽ được nối lại từ ngày 23/5.

* Trung tâm nghiên cứu ý kiến xã hội toàn Nga công bố số liệu cho thấy phần lớn người Nga (73%) được hỏi tin rằng Tổng thống V.Pu-tin đang nỗ lực hết sức để giải quyết tình hình nghiêm trọng do đại dịch gây ra. Gần 70% người Nga tin rằng tình hình ở đất nước vẫn trong tầm kiểm soát của ông chủ Ðiện Crem-li. Theo các số liệu gần đây, đại dịch đã đạt đỉnh và đang có xu hướng chững lại tại Nga.

* Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ban bố cảnh báo một hiện tượng hiếm gặp nhưng gây tử vong ở trẻ em, được cho là có liên quan dịch Covid-19. Hiện tượng trên được CDC gọi là triệu chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, gồm sốt dai dẳng, viêm đa cơ quan dẫn đến suy nhược phải nhập viện. Mỹ đã ghi nhận 1,46 triệu ca nhiễm và khoảng 87 nghìn ca tử vong, là nước chịu tác động mạnh nhất của đại dịch.

* Bộ Y tế Mê-hi-cô cho biết số ca nhiễm mới và tử vong do Covid-19 ở nước này tăng đột biến trong ngày 15/5. Trong khi đó, Bra-xin cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày cao kỷ lục, nâng tổng số ca nhiễm tới nay lên 203 nghìn ca, trong đó 14 nghìn ca tử vong. Tại bốn nước thuộc khu vực Trung Mỹ, tổng số ca nhiễm bệnh đã lên đến gần 15 nghìn người.

Theo Nhân dân
Bạn đang đọc bài viết Dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm 9,7% tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD trong năm nay
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 9/3 cảnh báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mà còn có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.