Diễn biến giá dầu thô trong hơn 10 năm qua và dự báo xu hướng trong thời gian tới
TCDN - Nói đến dầu thô là không thể không nhắc đến tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. OPEC được thành lập với mục đích chính là điều tiết thị trường dầu thô thông qua việc điều tiết sản lượng của các nước thành viên và thuyết phục các nước bên ngoài nhóm cùng thực hiện nếu có thể.
Dầu thô là một loại hàng hóa đặc biệt, là loại nhiên liệu được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, vẫn chưa có loại năng lượng nào khác có khả năng thay thế được, có vai trò rất lớn trong nền kinh tế. Giá dầu thô là một yếu tố rất nhạy cảm trên trường quốc tế với sự chi phối của các nước sản xuất lớn như OPEC, Nga, Mỹ… và các nền kinh tế lớn có sức tiêu thụ dầu như Trung Quốc, Ấn Độ.
Diễn biến giá dầu hơn 10 năm qua
Nhìn lại hơn10 năm trở lại đây, từng có thời điểm giá dầu lên gần 120 USD/thùng và cũng đã có những lúc giá rơi xuống dưới 30 USD/thùng, có thời điểm cho là hiện tượng kỳ thú trong 2 giờ ngày 20/4/2020 giá dầu ngọt nhe WTI là -37,6USD/thùng. Suốt thời gian này, có nhiều yếu tố tác động lên giá dầu, từ những biến động địa chính trị, những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật hay chính sách của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước sản xuất dầu thô.
Nói đến dầu thô là không thể không nhắc đến tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC. OPEC được thành lập với mục đích chính là điều tiết thị trường dầu thô thông qua việc điều tiết sản lượng của các nước thành viên và thuyết phục các nước bên ngoài nhóm cùng thực hiện nếu có thể. Ngay từ buổi đầu sơ khai của thị trường dầu thô, các nhà sản xuất lớn nhận thấy phải có một sự chung tay để điều tiết thị trường, tránh khỏi việc thị trường liên tục bùng nổ (giá tăng cao) sau đó sụp đổ (giá giảm sâu) trong thời gian ngắn.
Từ những năm 1990, các nước OPEC, mà dẫn đầu là Iraq đã luôn thúc đẩy việc thực hiện hạn mức khai thác nhằm chấm dứt tình trạng khai thác quá mức của các nước. Mặc dù các nước luôn gian lận trong việc tuân thủ các hạn mức đã đề ra nhưng tùy từng thời điểm, các biện pháp hạn chế khai thác tỏ ra có hiệu quả. Giai đoạn những năm trước 2014, các biện pháp hạn chế sản lượng của OPEC được chấp hành tốt, kết hợp với các biện pháp kích thích kinh tế sau khủng hoảng, đã giúp giá dầu thô tăng lên trên 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, sau đó, các nước OPEC bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm và liên tục sản xuất vượt quá hạn mức đã đặt ra, kết hợp với khủng hoảng tài chính ở một loạt các nước và khu vực liên minh châu Âu đã đẩy giá dầu thô lao dốc liên tục trong vòng 7 tháng. Trong 18 tháng, giá dầu thô WTI đã mất đi 80% giá trị, sau đó chạm đáy 24 USD/thùng vào tháng 2/2016.
Thời điểm 2010 cũng là thời điểm bắt đầu sự bùng nổ của cuộc cách mạng dầu đá phiến tại Mỹ, yếu tố giúp Mỹ, dù chỉ rất ngắn ngủi, trở thành nước xuất khẩu dầu thô trong năm 2019. Ngành dầu đá phiến đã được tạo ra từ rất sớm nhưng vì những giới hạn kỹ thuật mà ngành này phát triển rất chậm chạm. Chỉ đến đầu những năm 2010, với sự phát triển khoa học kỹ thuật tại Mỹ và dòng vốn đầu tư mới, ngành dầu đá phiến của Mỹ mới thực sự bùng nổ - cuộc cách mạng dầu đá phiến - theo các báo chí vẫn thường gọi. Sự phát triển bùng nổ này giúp Mỹ giảm thiểu được sự phụ thuộc vào nguồn dầu thô bên ngoài, và có tiếng nói quan trọng hơn trên thị trường dầu thô thế giới.
Kể từ năm 2018, Nga hiện diện nhiều hơn trong bức tranh dầu thô toàn cầu, dù Nga là nước sản xuất dầu lớn trên thế giới, khi hợp tác với Saudi Arabia và OPEC để lãnh đạo khối OPEC mở rộng hay còn được gọi là OPEC+ nhằm điều tiết thị trường dầu thô. Với sự kết hợp này, nhóm OPEC+ đã kiểm soát đại đa số nguồn cung dầu thô bên ngoài nước Mỹ, cho phép nhóm có thể tuyệt đối điều chỉnh hướng đi của giá dầu theo kế hoạch của mình nếu các nước trong nhóm đồng thuận.
Sự chấm dứt của xu thế toàn cầu hóa, tăng cường bảo hộ và hàng rào thuế quan cũng là một xu hướng rất đáng quan ngại đối với thị trường dầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mặc dù diễn ra cục bộ giữa hai quốc gia này, nhưng đã làm dấy lên lên một xu thế bảo hộ thương mại mới mà có thể đe dọa đến hoạt động thương mại toàn cầu. Thuế quan cao hơn đồng nghĩa với ít giao thương hơn, việc dẫn đến nhu cầu năng lượng trong hoạt động giao thông vận tải giảm sút. Yếu tố này ở thời điểm hiện tại chưa phải là một rủi ro đáng kể nhưng có thể sẽ kéo dài về sau.
Đầu năm 2020, thế giới phải đối mặt với một mối nguy hiểm chưa từng có, đó là dịch viêm phổi cấp do chủng virus Corona mới gây ra. Yếu tố này có tác động lớn đến thị trường dầu thô, đó là sự lây lan nhanh chóng của dịch đã khiến các quốc gia phải áp đặt các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại, khiến nhu cầu dầu thô toàn cầu sụt giảm mạnh.
Tháng 04/2020: Tồn kho dầu tăng đột biến dẫn tới tình trạng thiếu kho chứa dầu, đẩy giá dầu thô WTI xuống mức âm (-) 37,6 USD/thùng trong 2 giờ lần đầu tiên trong lịch sử. Đây có thể coi là hiện tượng kỳ thú của thị trường dầu mỏ thế giới. Các nước OPEC+ đạt được thỏa thuận cắt giảm với mức cắt giảm lớn chưa từng có nhằm hỗ trợ thị trường dầu thô.
Mặc dù thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ không thể ngay lập tức cân bằng được sự sụt giảm nhu cầu dầu thô nhưng đã có những tác động tích cực lên giá dầu thô và góp phần thu hẹp thặng dư trên thị trường dầu thô thế giới. Kể từ ngày 01/05, thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng của nhóm OPEC+ bắt đầu có hiệu lực, giá dầu thô WTI đã tăng 87% từ mức 19,07 USD/thùng lên 35,6 USD/thùng.
Thị trường Dầu thô thế giới trải qua tháng 06, 07 và tháng 8 với những diễn biến khả quan hơn nhờ những nỗ lực của các nước sản xuất dầu thô cũng như nhờ vào việc các nền kinh tế dần mở cửa trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch. Trong phiên trong phiên 25/8 đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng.
Dự báo xu hướng giá dầu thế giới trong những tháng tới
Để có thể dự báo đúng xu hướng của giá dầu thô trong những tháng tới, có một số yếu tố ảnh hưởng tới thị trường cần được đặc biệt chú ý.
Một là, cán cân cung cầu dầu thô
Nguồn cung
(1) Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ là yếu tố lớn nhất đặt ra hạn chế cho nguồn cung dầu thô toàn cầu hiện nay. Theo thỏa thuận ban đầu, các nước trong nhóm OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng khai thác đi 9,7 triệu thùng/ngày trong hai tháng 05 và 06. Sau đó, hạn mức sẽ được nới lỏng xuống chỉ còn 7,7 triệu thùng/ngày trong phần còn lại của năm 2020 trước khi tiếp tục giảm trong năm sau đó.
Cuộc họp của Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng JMMC của OPEC+ đã khẳng định cam kết này của các nước. Iraq và Kazakhstan đã đệ trình bản kết hoạch cắt giảm bổ sung của hai nước để bù đắp cho việc thiếu tuân thủ trước đó. Kazakhstan cho biết sẽ cắt giảm thêm 50,000 thùng/ngày trong hai tháng 08 và 09 để bù đắp cho những gì còn thiếu. Trong khi đó, Iraq cũng cho biết sẽ cắt giảm thêm 57,000 thùng/ngày trong tháng 07, cắt giảm thêm 258,000 thùng/ngày trong hai tháng 08 và 09.
(2) Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ
Tuy nước Mỹ không áp đặt ra các hạn mức cắt giảm sản lượng cho các công ty dầu khí của mình, nhưng sản lượng khai thác của Mỹ cũng đã giảm mạnh trong những tháng qua dưới áp lực của thị trường khi giá xuống thấp. Số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ đã giảm liên tục trong 10 tuần qua, chạm xuống mức thấp nhất mà hãng Baker Hughes từng ghi nhận trong lịch sử.
Dự báo nguồn cung dầu thô của Mỹ có thể giảm 900,000 thùng/ngày trong năm 2020 và tiếp tục giảm thêm 300,000 thùng/ngày nữa trong năm 2021 nếu giá dầu không tăng trở lại.
Dù vậy, giá dầu thô tăng liên tục trong thời gian qua có thể khiến một số nhà sản xuất bắt đầu khai thác trở lại. Đây là một trong những lo ngại mà giới phân tích đặt ra trong thời gian qua, và cần phải lưu tâm trong thời gian tới. Con số ước lượng sản lượng khai thác dầu thô hàng tuần sẽ được Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA công bố vào tối thứ Tư hằng tuần.
(3) Tồn kho dầu của thế giới và Mỹ
Nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh trong khi các nước nước sản xuất dầu đẩy mạnh việc khai thác sau khi cuộc họp OPEC+ hồi tháng 03 thất bại đã đẩy tồn kho dầu thô toàn cầu tăng mạnh. Đà tăng bất ngờ này đã dẫn tới việc thiếu hụt kho chứa dầu trên quy mô toàn cầu, một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu WTI về mức âm hồi giữa tháng 04.
Tồn kho Dầu thô của các nền kinh tế trong khối OECD và Mỹ đều tăng mạnh trong quý 1/2020 nhưng đã chững lại và quay đầu giảm từ tháng 05 vừa rồi. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ - EIA, xu hướng giảm này sẽ tiếp tục cho đến hết năm 2020.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết lượng dầu tồn kho nổi toàn cầu trong các tháng vừa qua có xu hướng giảm, xua tan một phần lo ngại đối với tồn kho thế giới
Nhu cầu
Nhu cầu dầu thô thường được các cơ quan quản lý năng lượng như IEA, EIA và OPEC ước lượng và dự báo. Trong cuộc khủng hoảng dầu hiện tại, các yếu tố về nhu cầu là những yếu tố tạo nên xu hướng trước trong khi nguồn cung mang tính phản ứng lại với những diễn biến của nhu cầu. Trong báo cáo thị trường dầu khi tháng 07 mới đây OPEC giữ nguyên dự báo đối với nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2020 với mức sụt giảm 9.07 triệu thùng/ngày do dịch bệnh, dù nhận định rằng nhu cầu sẽ phục hồi nhanh chóng vào cuối năm. Theo đó, nhu cầu dầu thô thế giới sẽ sụt giảm 6,4 triệu thùng/ngày trong nửa sau của năm 2020, ít hơn nhiều so với dự báo một tháng trước với mức sụt giảm 11,9 triệu thùng.
Hai là, tái mở cửa kinh tế
Nhu cầu dầu thô sụt giảm bắt nguồn từ các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội của các quốc gia có dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt thị trường dầu thô trong thời gian tới.
Việc các nước nới lỏng các biện pháp phòng dịch cho phép người dân bắt đầu đi lại, hoạt động kinh tế dần phục hồi, dẫn tới nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho các hoạt động giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp. Có thể thấy rất nhiều các quốc gia tại châu Á và châu Âu đã nới lỏng rõ rệt các biện pháp phòng dịch trong hơn một tháng qua, cho phép nhu cầu dầu thô phục hồi. Chỉ số Apple Mobility Index cho thấy hoạt động đi lại của người dân tại một số quốc gia đã phục hồi so với mức trước dịch.
Tại Mỹ, nhu cầu dầu thô có thể được phản ánh thông qua các ước lượng trong các báo cáo tuần của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Nhìn chung, các dữ liệu đều đang cho thấy nhu cầu dầu thô đang có dấu hiệu phục hồi trong hơn một tháng trở lại đây và có xu hướng sẽ tiếp tục nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt.
Nguy cơ tái bùng phát đại dịch Covid-19
Việc các nước nhanh chóng mở cửa lại nền kinh tế, một mặt có tác động tích cực đối với thị trường dầu thô trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều này lại khiến các chuyên gia y tế lo ngại về việc dịch sẽ bùng phát trở lại nếu các nước quá vội vã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Các chuyên gia đều cho rằng đợt bùng phát thứ hai, nếu có sẽ có khả năng diễn ra vào mùa đông. Trong khung thời gian mùa hè trong hai tháng tới, nguy cơ tái bùng phát dịch trên diện rộng được cho là thấp.
Nhận định về diễn biến giá dầu trong thời gian tới
Diễn biến của giá dầu thô trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chính vào sự biến động của nguồn cung và cầu dầu thô, mà trong đó, tác động chính sẽ là sự phục hồi của cầu. Những biến động của nguồn cung hiện tại đều mang tính phản ứng với sự biến động của nhu cầu với mục đích cân bằng thị trường.
Trong khi đó, nhu cầu dầu thô lại phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh cũng như khả năng phòng chống bệnh của con người. Dựa vào yếu tố này, chúng ta có thể xây dựng hai kịch bản cho giá Dầu.
Kịch bản đầu tiên, dịch bệnh dần được kiểm soát và dập tắt, nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ dần phục hồi từ giờ tới cuối năm. Trong tình huống này, nhu cầu dầu thô được hỗ trợ phục hồi liên tục, từ đó kéo theo là giá Dầu thô. Khi đó, OPEC+ sẽ ít có khả năng có thêm các biện pháp cắt giảm mới để hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, dưới tác động của các biện pháp cắt giảm hiện tại, nguồn cung dầu thô cũng đã thu hẹp đáng kể.Với nguồn cung thu hẹp trong khi nguồn cầu phục hồi, giá có thể tiếp tục tăng và sẽ giao động trong khoảng từ 45 USD/thùng cho đến 50 USD/thùng vào cuối năm nay.
Kịch bản thứ hai, dịch bệnh tái bùng phát trong khoảng còn lại của năm, với khả năng cao là vào mùa đông. Trong kịch bản này, những tác động của dịch bệnh lên nhu cầu dầu thô sẽ cực kỳ khó ước lượng. Tuy nhiên, sẽ ít có khả năng nhu cầu dầu thô sẽ sụt giảm sâu hơn mức 11,9 triệu thùng/ngày như nửa đầu tiên của năm, do các nước đã có kinh nghiệm đối với dịch, việc phòng chống sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn. Không thể loại trừ khả năng các nước OPEC+ sẽ có những biện pháp mới, cụ thể là cắt giảm thêm để hỗ trợ giá dầu.
Do không còn yếu tố bất ngờ cũng như các nước OPEC+ sẵn sàng để có những hành động can thiệp hơn, việc sụt giảm không thể tránh khỏi của giá trong trường hợp này sẽ nhẹ nhàng hơn. Trong kịch bản này, giá nhiều khả năng sẽ rơi trở lại vùng giá 30 - 33USD/thùng.
ThS. Ngô Trí Trung
Đại học Quốc gia Hà Nội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899