Thực tiễn 05 năm triển khai Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp

04/09/2020, 14:30

TCDN - Từ khi Quốc hội ban hành Luật số 69/2014/QH13 và Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật, các Bộ ngành ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới có bước đột phá đã tạo tiền đề cho phát triển thị trường chứng khoán.

3-1

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và XII của Đảng, Kết luận số 10-KL/TW ngày 18/10/2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI), Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương (Khóa XI); Triển khai Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước và khắc phục tình trạng bất cập trên, Bộ Tài chính đã tham mưu giúp Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13). Từ khi Luật số 69/2014/QH13 được ban hành đã đạt được kết quả như:

Một là, tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được hoàn thiện phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; cơ chế, chính sách đã đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản. Việc ban hành Luật số 69/2014/QH13 là bước hoàn thiện có tính pháp luật cao nhất trong quá trình hoàn thiện cơ chế đổi mới quản lý DNNN. Điều này đã thể hiện cụ thể hóa việc triển khai Hiến pháp năm 2013, phù hợp các yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng (đáp ứng yêu cầu vai trò chủ đạo trong kinh tế nhà nước), đáp ứng được tính cấp thiết và kịp thời trong tình hình mới.

Luật số 69/2014/QH13 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trên cơ sở tổng kết thực tiễn, pháp luật hóa những quy định của Chính phủ thực hiện ổn định và có hiệu quả; đồng thời bổ sung thêm nội dung mang tính định hướng, nguyên tắc chung đang diễn ra trong thực tiễn cần có sự quản lý của Nhà nước như các nội dung về cổ phần hóa, chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần có vốn nhà nước;

Phân định và làm rõ chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại DNNN; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp;

Khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đúng mục tiêu, chiến lược và đầu tư còn dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát mọi hoạt động trong quản lý vốn đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp. Việc kiểm soát đầu tư vốn của nhà nước vào doanh nghiệp và vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp nhà nước được chặt chẽ hơn (từ khâu xác định mức vốn, phê duyệt, cấp phát vốn), đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không còn trải rộng, chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước tiếp tục duy trì là DNNN tập trung vào 4 lĩnh vực là: (i) doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; (ii) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh; (iii) doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên; (iv) doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế. Việc chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác để thu hồi vốn tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của các doanh nghiệp (nhất là các tập đoàn, tổng công ty) đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.

Hai là, từ khi Quốc hội ban hành Luật số 69/2014/QH13 và Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn Luật, các Bộ ngành ban hành các Thông tư hướng dẫn Nghị định của Chính phủ, công tác cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp đổi mới có bước đột phá đã tạo tiền đề cho phát triển thị trường chứng khoán, là kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế. Tuy số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn ít nhưng hiệu quả và giá trị thu về là rất lớn (như việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco; Vinamilk ...). Trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN công tác sắp xếp lại và xử lý lao động dôi dư, lao động tinh giản biên chế được thực hiện một cách bài bản hơn, điều này đã tạo tiền đề cho tinh gọn bộ máy trong doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Ba là, Luật số 69/2014/QH13 được Quốc hội ban hành và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành đã cơ bản đáp ứng về quản lý, giám sát doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước cùng với Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng...đã tạo ra một bộ khung pháp lý đồng bộ, đầy đủ và đã bám sát được các định hướng lớn cũng như chủ trương về đổi mới quản lý DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo tiền đề thuận lợi cho các DNNN (tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty TNHH MTV) ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, phục vụ tốt cho công tác quản lý cũng như công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Bốn là, Luật số 69/2014/QH13 và hệ thống các văn bản pháp luật đã góp phần nâng cao tính hiệu lực trong công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại DNNN; Phân định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu; Người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; quy định cụ thể việc giám sát, kiểm tra, thanh tra hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Việc ban hành Luật số 69/2014/QH13 cùng với việc ban hành đồng bộ các Luật liên quan như đã nêu trên đã từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Năm là, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi, đóng góp số thu đáng kể cho ngân sách nhà nước. Nhiều doanh nghiệp có số nộp lợi nhuận sau thuế còn lại hàng năm lớn (hàng nghìn tỷ đồng). Đã hình thành một cơ chế thu ngân sách nhà nước mang tính ổn định, lâu dài đối với phần lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên. Đây là khoản thu lớn của Ngân sách nhà nước góp phần quan trọng hoàn thành vào dự toán thu ngân sách Quốc hội giao, cụ thể: Năm 2016 số thu lợi nhuận sau thuế còn lại là 62.614 tỷ đồng, số thu cổ tức, lợi nhuận được chia là 11.731 tỷ đồng; Năm 2017 số thu lợi nhuận sau thuế còn lại là 60.639,98 tỷ đồng, số thu cổ tức, lợi nhuận được chia là 14.495 tỷ đồng; Năm 2018 số thu từ lợi nhuận sau thuế còn lại của các DNNN, cổ tức lợi nhuận được chia cho phần vốn đầu tư của Nhà nước tại các doanh nghiệp là 78.130 tỷ đồng, chiếm 5,76% thu thuộc ngân sách nhà nước. Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn và thu từ lợi nhuận sau thuế đã tạo nguồn lực để Nhà nước đầu tư vào các công trình trọng điểm, an sinh xã hội (như đầu tư vào các công trình bệnh viện Trung ương, đường giao thông, trường học ...) và đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi của các địa phương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có vốn thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và thực hiện tốt chủ trương hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; cấp vốn điều lệ cho các doanh nghiệp quốc phòng an ninh để thực hiện các dự án đầu tư các dây chuyền sản xuất vũ khí phục vụ cho quân đội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sáu là, hiệu quả hoạt động của các DNNN được duy trì và phát triển. Các DNNN tiếp tục thực hiện được vai trò, nhiệm vụ chủ sở hữu giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; có sự tăng trưởng đáng kể về quy mô doanh nghiệp và có đóng góp số thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, DNNN vẫn tiếp tục đóng vai trò thực hiện nhiệm vụ cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như: năng lượng, kết cấu hạ tầng, dịch vụ viễn thông vẫn đang được các DNNN phát huy thế mạnh trong nền kinh tế thị trường.

Về mặt xã hội DNNN đã tạo việc làm cho hàng nghìn người lao động và có mức thu nhập tương đối ổn định so với thực trạng của kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Thực trạng tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN trong giai đoạn 2015 - 2018 tính theo số liệu báo cáo của Công ty mẹ cụ thể như sau:

- Tính đến hết năm 2018 vốn chủ sở hữu của các DNNN là 1.231.684 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn đạt 4%.

- Giá trị tổng tài sản của các DNNN năm 2018 là 2.160.903 tỷ đồng, tăng 11 % so với năm 2015. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân khoảng 30% tổng tài sản.

- Tổng số nợ phải trả của các DNNN năm 2018 là 907.489 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân bằng 0,73 lần, tuy nhiên vẫn còn một số DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, chủ yếu là các DNNN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.

- Tổng doanh thu năm 2018 của các DNNN là 998.076 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2015. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân cả giai đoạn là 5%.

- Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2018 của các DNNN là 121.669 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2015. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn đạt 10%; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản bình quân cả giai đoạn đạt 6%.

- Năm 2018, thuế và các khoản phát sinh phải nộp NSNN của các DNNN là 155.997 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2015. Trong đó, số lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các Quỹ phải nộp NSNN theo quy định là 48.489 tỷ đồng, chiếm 40,5% tổng số phát sinh phải nộp NSNN.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, sau 05 năm triển khai Luật số 69/2014/QH13 cho thấy đã phát sinh một số bất cập như: việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đang còn có nhiều cách hiểu khác nhau và được quy định tại nhiều luật nhưng chưa có sự thống nhất, thiếu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc xác định thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng trong triển khai thực hiện dự án đầu tư; về thẩm quyền, trình tự, thủ tục liên quan việc đầu tư, xây dựng cũng như đầu tư dự án, đầu tư ra nước ngoài còn chưa rõ ràng; việc chuyển nhượng vốn theo phương thức chào bán cạnh tranh không có gì khác so với đấu giá công khai; việc xác định giá trị thương hiệu và giá trị truyền thống của doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn còn bất cập; tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang tập trung tại Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp sau đó chuyển vào ngân sách nhà nước để phục vụ cho nhu cầu đầu tư công nhưng chưa tập trung đầu tư được vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước then chốt quốc gia; tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước của các địa phương đều được chuyển về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp mà chưa được để lại cho ngân sách địa phương sử dụng...

Bênh cạnh đó, một số chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cam kết của Việt Nam với quốc tế liên quan đến DNNN cũng đã có sự thay đổi như: việc xác định DNNN là doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được nêu tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; Nghị quyết số 60/2018/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN đã giao Chính phủ khẩn trương tổng kết, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá DNNN; sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung còn vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13; Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã sửa đổi một số nội dung của Luật số 69/2014/QH13; ngày 13/6/2019, Quốc hội ban hành Luật số 39/2019/QH14 Luật đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2019, tại khoản 4 Điều 3 quy định việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Hiện nay, Quốc hội đã thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

Xuất phát từ những lý do trên, cần thiết phải rà soát, tổng kết để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 cho đồng bộ với các luật có liên quan và tình hình thực tiễn. Việc sửa đổi, bổ sung Luật 69/2014/QH13 trong thời gian tới cần phải đảm bảo các định hướng lớn như:

Một là, DNNN là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần, vốn góp chi phối; được tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. DNNN tập trung vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Hai là, DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của DNNN. Tách bạch nhiệm vụ của DNNN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của DNNN sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Nhà nước xác định là một nhà đầu tư, không can thiệp hành chính trực tiếp vào hoạt động và quản trị của doanh nghiệp mà thông qua hệ thống người đại diện để thực hiện các quyền trong doanh nghiệp.

Ba là, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của DNNN để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, cơ cấu lại, đổi mới DNNN theo cơ chế thị trường là quá trình thường xuyên, liên tục với phương thức thực hiện và lộ trình hợp lý. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN theo hướng kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; đồng thời xử lý triệt để, bao gồm cả việc cho phá sản các DNNN yếu kém.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của DNNN; không để xảy ra thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực quản trị, phẩm chất đạo đức để kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý DNNN.

Sáu là, tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng; phát huy vai trò của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát đối với việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN; bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Th.S Nguyễn Duy Long

Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính

Tạp chí in số tháng 8/2020

Tin liên quan