Điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm an ninh, an toàn hiệu quả
TCDN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước và đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Ngân hàng Việt Nam (06/5/1951 – 06/5/2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng, cảm ơn và biểu dương những thành tích đã đạt được, những đóng góp to lớn và sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Ngân hàng trong suốt 70 năm qua.
Tổng Bí thư đề nghị, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng cần tiếp tục phát huy những thành quả lớn lao mà các thế hệ đi trước đã để lại, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức đạo đức nghề nghiệp, nỗ lực đổi mới mạnh mẽ tư duy để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, khắc phục những tồn tại hạn chế bất cập; phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước và đảm bảo an ninh, an toàn hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng; thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và huy động đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý thêm một số vấn đề quan trọng ngành Ngân hàng cần quan tâm trong thời gian tới.
Một là, ngành Ngân hàng và toàn thể cán bộ Đảng viên, nhân viên trong ngành cần nghiêm túc quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Nhất là các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và về đổi mới phát triển ngành Ngân hàng nói riêng. Đặc biệt chú ý tiếp tục điều hành đồng bộ linh hoạt các chính sách vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Hai là, nhận thức đầy đủ đúng đắn và sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của ngành Ngân hàng, đây là kênh cung cấp vốn trọng yếu, huyết mạch của nền kinh tế, rất phức tạp, nhạy cảm, có tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô cũng như an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Từ đó, tập trung ưu tiên xây dựng và phát triển thực hiện thật tốt chiến lược Kế hoạch, các chương trình hành động và các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể, có tính khả thi cao, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Ba là, tiền tệ, ngân hàng là một lĩnh vực rất quan trọng và cũng rất nhạy cảm, có tính hệ thống và ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các đồng chí cần đặc biệt quan tâm đến công tác đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách và công tác cán bộ để vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước và nâng cao hiệu quả, bảo đảm chất lượng an toàn hoạt động của toàn hệ thống; vừa nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật của người cán bộ ngân hàng để ngăn ngừa rủi ro, vi phạm trong hoạt động của mình.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát cập nhật, hoàn chỉnh và triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Các tổ chức tín dụng phải không ngừng nỗ lực củng cố, chấn chỉnh và phấn đấu vươn lên, bắt kịp với xu hướng phát triển mới trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu trở thành các tổ chức tín dụng ngang tầm khu vực và từng bước vươn ra thế giới.
Năm là, ngành Ngân hàng cần đặc biệt quan tâm, nhất là Ngân hàng Nhà nước cần làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn vững vàng, luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới phát triển của ngành, của đất nước. Sớm nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách khuyến khích và bảo vệ những tổ chức, cá nhân dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Các đề xuất đó đòi hỏi phải được cấp ủy, chính quyền bàn bạc, xem xét kỹ lưỡng cho làm thí điểm theo thẩm quyền. Cái gì đổi mới đúng thì phải được bảo vệ, tiếp tục triển khai. Cái gì chưa đúng thì phải kịp thời chấn chỉnh, sửa chữa, rút kinh nghiệm. Tuyệt đối không chủ quan thoả mãn.
Tổng Bí thư tin tưởng rằng, với truyền thống tốt đẹp, vẻ vang và với nhiệt huyết, quyết tâm đổi mới, bản lĩnh chính trị vững vàng, cùng sự năng động, sáng tạo, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng Việt Nam nhất định sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục viết nên những trang sử mới hào hùng, góp phần quan trọng đưa Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngành Ngân hàng Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu mới, có bước trưởng thành mới, mạnh mẽ hơn nữa, vững chắc hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, tiếp tục đóng góp xứng đáng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng thịnh vượng, hùng cường đi lên chủ nghĩa xã hội, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và cũng là khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam ta.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899