Định hướng chiến lược phát triển kinh tế nông thôn vùng Đông Nam Bộ
TCDN - Trên cơ sở những thông tin cơ bản, tác giả đã áp dụng kỹ thuật phân tích ma trận SWOT và lý thuyết phát triển nông thôn. Kết quả đạt được cho thấy, tầm nhìn chiến lược của vùng nông thôn Đông Nam Bộ là sản xuất nông nghiệp giá trị cao, các hoạt động phi nông nghiệp và du lịch.
Tóm tắt:
Nghiên cứu sử dụng chủ yếu các số liệu thứ cấp từ những nguồn như niên giám thống kê, các bài báo khoa học và các số liệu cơ bản của dự án phát triển nông thôn được thực hiện bởi dự án Tây Ban Nha tại Trường Đại học Nông Lâm, đồng thời thu thập những ý kiến từ các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển nông thôn thông qua bảng phỏng vấn. Trên cơ sở những thông tin cơ bản, tác giả đã áp dụng kỹ thuật phân tích ma trận SWOT và lý thuyết phát triển nông thôn, cụ thể là thuyết phát triển nông thôn theo vùng. Kết quả đạt được cho thấy, tầm nhìn chiến lược của vùng nông thôn Đông Nam Bộ là sản xuất nông nghiệp giá trị cao, các hoạt động phi nông nghiệp và du lịch.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Là một vùng rất giàu tiềm năng và có triển vọng phát triển rất lớn so với các vùng khác trong cả nước, thu hút rất nhiều các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu dưới nhiều lĩnh vực khác nhau từ các vấn đề kinh tế, xã hội đến đời sống tinh thần... Do đó, việc định hướng một chiến lược phát triển toàn diện vùng nông thôn là hết sức quan trọng và thiết yếu nhất hiện nay, nó quyết định sự tồn vong hay phát triển của một địa phương, một vùng và hơn cả là sự phát triển toàn diện của cả dân tộc. Nếu chúng ta cứ ỷ lại vào nguồn lực dồi dào sẵn có của địa phương mà sử dụng cạn kiệt không biết phát huy và sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài nguyên thì vùng nông thôn ấy vẫn cứ là một vùng nông thôn bình dị không hề thay đổi và đuổi kịp sự phát triển ngày càng vượt bậc của xã hội.
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Tổng quan địa bàn nghiên cứu
Vùng Đông Nam Bộ bao gồm 8 Tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận và Tp. Hồ Chí Minh (Tp. HCM). Tọa độ của Vùng trải dài từ 105045’ đến 106010’ độ Kinh Đông và từ 11015’ đến 12015’ độ Vĩ Bắc.
Phía Tây Nam giáp Đồng bằng Sông Cửu Long, phía Tây Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Nam giáp biển Đông.
Vị trí của Vùng khá thuận lợi về mặt giao thông và thị trường cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh là một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Vị trí của Vùng lại nằm trong khu vực có chế độ gió mùa cận xích đạo với nhiệt độ cao quanh năm, lượng mưa lớn, ít bão và không có mùa đông lạnh đã tạo ra hai hệ thống sản xuất nông nghiệp chính là: hệ thống nông nghiệp nhờ vào nước mưa và hệ thống nông nghiệp nhờ vào nước tưới.
Dân số của Vùng chiếm khoảng 15% tổng dân số trong cả nước và đến nay thì tỷ lệ này tăng lên 16%. Điều này có nghĩa rằng dân số của Vùng tăng nhanh hơn so với các vùng khác trong cả nước, nếu tính riêng trong Vùng thì dân số Tp. Hồ Chí Minh chiếm gần 50% tổng dân số nhưng diện tích đất thì hoàn toàn ngược lại chỉ chiếm diện tích ít nhất trong Vùng. Tiếp theo là 2 Tỉnh Bình Dương và Đồng Nai tập trung nhiều ngành công nghiệp và chế biến. Trường hợp này xem như một áp lực trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Dân số và mật độ dân số ngày càng gia tăng đã tạo nên một áp lực lớn về kiến trúc thượng tầng cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên cho con người khai thác, sử dụng trong hiện tại và cả trong tương lai. Tốc độ tăng trưởng thu nhập của Vùng khoảng 12% – nhanh nhất trong cả nước (khoảng 7,5%). Nền kinh tế của Vùng phát triển nhanh nhờ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào phát triển các vùng nông thôn. Do đó, diện tích đất cho sản xuất và xây dựng càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn thể hiện qua sự tăng giá đất rất nhanh (giá đất tại trung tâm Tp. Hồ Chí Minh). Giá đất cao rất có lợi cho các nhà đầu cơ tích trữ đất do đó họ nhảy vào ngành này những mong sinh lợi và cứ thế phát triển. Ngược lại người dân có thu nhập thấp đã khó khăn nay càng vất vả và khó khăn trong việc ổn định chổ ở vì họ phải tốn chi phí cao hơn đầu tư cho nhà ở. Vì vậy, bộ mặt xã hội ngày càng xấu đi.
Về quỹ đất đai và tình hình sử dụng, so với các vùng khác trong cả nước thì vùng Đông Nam Bộ chiếm diện tích rất nhỏ khoảng 7,15% tổng diện tích cả nước, trong đó tập trung chủ yếu là đất nông nghiệp (60,86%) và đất lâm nghiệp (21,37%) do đặc điểm và tính chất của đất nên cây lâu năm chiếm ưu thế trong vùng với 55,71% diện tích đất nông nghiệp của vùng tương ứng với 798.311 ha cao hơn diện tích trồng cây lâu năm của cả nước (23,36%), kế đến là đất trồng cây hàng năm chiếm 37,45% diện tích đất nông nghiệp đồng thời lúa cũng vẫn là loại cây trồng chính của vùng.
Từ những vấn đề được đề cập ở trên, diện tích đất nông nghiệp của vùng bị hạn chế mà cụ thể là diện tích đất trồng cây hàng năm cùng với số lượng lớn hộ gia đình làm nông nghiệp dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bình quân trên hộ gia đình nông nghiệp thấp.
Hiện trạng sử dụng đất vùng Đông Nam Bộ

Phân tích hiện trạng kinh tế xã hội vùng nông thôn Đông nam bộ
Các thông tin về nhân khẩu học
Dân số tập trung ở vùng Đông Nam Bộ khoảng 13 triệu dân chiếm gần 16% dân số cả nước. Trong đó dân số nông thôn khoảng 5,845 triệu người tương đương với 9,7% dân số vùng nông thôn trong cả nước. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hoá nên tỷ lệ người dân vẫn còn bám trụ ở nông thôn ít hơn ở thành thị tức chiếm khoảng 45% trong khi tỷ lệ này trong cả nước lên đến 76%. Bên cạnh đó thì tỷ lệ nam và nữ chênh lệch nhau không nhiều, tỷ lệ nữ cao hơn nam chiếm khoảng 51,10% dân số trong vùng và chiếm 16% tỷ lệ nữ trong cả nước.
Tỷ lệ nam và nữ cũng như tỷ lệ người dân sống ở nông thôn và thành thị rất khác nhau ở các Tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ. Dân số sống ở vùng nông thôn thuộc 2 Tỉnh Bình Phước và Tây Ninh chiếm tỷ lệ rất cao khoảng 83% và tỷ lệ này cao hơn mức bình quân chung cả nước, riêng Tp. Hồ Chí Minh thì hoàn toàn ngược lại do thuộc trung tâm kinh tế và quá trình đô thị hoá nên đa số người dân sống ở thành thị do đó dân số thành thị chiếm tỷ lệ rất cao là 87,5% đã gây áp lực lớn cho đời sống của người dân thành thị.
Các điều kiện về thị trường lao động
Người có khả năng lao động bình quân 1 hộ ở vùng Đông Nam Bộ cao hơn mức bình quân chung cả nước. Điều này chứng tỏ rằng, vùng Đông Nam Bộ có nguồn lao động dồi dào góp phần làm gia tăng thu nhập cho hộ gia đình khi mà tỷ lệ phụ thuộc ít. Bên cạnh đó, số lao động chuyên làm thuê của vùng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 15% so với cả nước trong khi đó tỷ lệ này ở Tây Ninh và Đồng Nai rất cao là 25,74% và 20,02% tương ứng, có nghĩa là lao động của họ chủ yếu là làm thuê kiếm sống chứ chưa chủ động trong việc kinh doanh đồng thời còn do năng lực và trình độ của bản thân người lao động.
Các đặc trưng về kinh tế
Cơ cấu ngành nghề của các hộ gia đình vùng nông thôn Việt Nam rất phong phú và đa dạng thuộc mọi lĩnh vực tuy nhiên ngành chiếm tỷ lệ cao nhất và giữ vai trò chủ đạo đó chính là ngành nông nghiệp do đa số hộ dân thuộc ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao 77,35 % với thu nhập chính của người dân vùng nông thôn xuất phát từ cây lúa nước, kế đến là hộ thương nghiệp và hộ nông nghiệp chuyên làm thuê, hộ công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, … Nếu tính riêng cho vùng Đông Nam Bộ thì việc phân bố ngành nghề cũng tương tự như cách phân bố ngành của cả nước nhưng tỷ lệ mỗi ngành lại khác nhau, đi đầu dẫn là hộ nông nghiệp chiếm khoảng 60,53 % dân số toàn vùng. Trong 8 Tỉnh thuộc địa bàn nghiên cứu thì Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận là 4 Tỉnh đi đầu có số hộ nông nghiệp cao nhất tương ứng với các tỷ lệ như 88,48%, 68,09%, 66,83%, 64,68%. Tỉnh có tỷ lệ hộ nông nghiệp thấp nhất vẫn là Tp. Hồ Chí Minh 27,34%.
Nhưng nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ khác với cả nước là cây chủ đạo không phải là cây lúa nước mà chính là cây công nghiệp đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm. Ngay từ rất lâu trong vùng đã hình thành những đồn điền cao su, cà phê với qui mô lớn gắn công nghiệp chế biến trong nước với nước ngoài. Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, cả trong điều kiện cơ chế kế hoạch hoá tập trung bao cấp, Đông Nam Bộ vẫn là vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, khi có đường lối đổi mới các quan hệ hàng hoá tiền tệ phát triển rất nhanh với các hình thức và qui mô khác nhau. Trong đó, kinh tế trang trại phát triển nhanh hơn so với các vùng khác trong cả nước bao gồm các loại trang trại như trang trại trồng cây hàng năm, trang trại trồng cây lâu năm, trang trại chăn nuôi và trang trại lâm nghiệp.
Bên cạnh cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày như cây đậu nành, mía, bông, lạc, cây thuốc lá, . . . cũng giữ vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất đồng thời tạo việc làm ổn định cho hàng chục ngàn lao động. Bên cạnh đó còn là vùng phát triển cây ăn quả nổi tiếng như bưởi – Tân Uyên, Biên Hoà, thanh long – Bình Thuận, nho – Ninh Thuận, sầu riêng và chôm chôm – Khánh Hoà, . . .
Các điều kiện cơ sở vật chất
Người dân trong vùng cũng như trong cả nước đều trang bị tốt cho mình những loại máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định. Trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm tỷ lệ tương đối cao so với các vùng khác điển hình một số loại như: máy vi tính chiếm 36,05%; máy phun thuốc trừ sâu có động cơ 30,15%; máy định vị 27,23%; máy tầm ngư 26,25%; máy gặt 24,99% so với cả nước.
Nếu tính riêng các Tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ thì tỉnh trang bị tốt nhất đó là tỉnh Đồng Nai với đa số các loại máy phục vụ cho ngành trồng trọt, ngành chế biến và nuôi trồng thuỷ sản do có địa hình thuận lợi để khai thác và phát huy thế mạnh vốn có của Tỉnh, tiếp theo là tỉnh Bình Thuận thì trang bị các loại máy để xác định vị trí nuôi trồng thuỷ sản, kế đến là Tây Ninh, Ninh Thuận, . . . nhưng Tỉnh đầu tư máy móc hiện đại nhất đó là Tp. Hồ Chí Minh chiếm 40,69% tỷ lệ máy vi tính trong toàn vùng Đông Nam Bộ. Với những đầu tư trên đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh ngành nông nghiệp đồng thời góp phần cải thiện đời sống của người dân đã làm giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo và mang lại nguồn thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong cả nước.
Hoạch định chiến lược phát triển nông thôn
Tiến trình xác định các ma trận chiến lược
Môi trường của một tổ chức là những yếu tố, những lực lượng, những thể chế nằm bên ngoài địa phương mà nhà quản trị không kiểm soát được nhưng chúng lại ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động và kết quả của địa phương nên chiến lược được lựa chọn phải được hoạch định trên cơ sở các điều kiện môi trường đã nghiên cứu.
Môi trường bên ngoài
Môi trường này luôn luôn biến đổi và ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các ngành kinh doanh nên địa phương phải sớm nhận thức được những yếu tố này để kịp thời thay đổi chiến lược và có thể thích nghi với sự thay đổi đó chứ địa phương không thể nào làm thay đổi yếu tố này được. Môi trường này bao gồm các yếu tố chủ yếu như: các yếu tố về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội, công nghệ và các yếu tố về môi trường tự nhiên, . . .
Cách xác định ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài (External Factor Evaluation Matrix, EFE matrix)
Là ma trận tóm tắt và đánh giá các thông tin kinh tế, xã hội, văn hoá, nhân khẩu, địa lý, chính trị, chính phủ, luật pháp, công nghệ và cạnh tranh bằng những chỉ tiêu định lượng.
Qui trình thực hiện gồm 5 bước: (1) Bước 1: Lập danh mục các yếu tố bên ngoài (khoảng 10 yếu tố) của vai trò quyết định đến sự thành công của Tỉnh bao gồm những cơ hội và những đe doạ. (2) Bước 2: Xếp hạng tầm quan trọng (weighting) của từng yếu tố. Từ 0,00 (không quan trọng) cho đến 1,00 (rất quan trọng) đối với địa bàn đang hoạt động. Dùng hệ thống chuyên gia, hệ thống quản trị viên để đánh giá. So sánh giữa các địa phương cạnh tranh thành công và không thành công trong vùng sao cho tổng các yếu tố đó bằng 1,00. (3) Bước 3: Đánh giá phản ứng (Rating) của Tỉnh (định lượng). Nếu 1 điểm là phản ứng yếu, 2 điểm là phản ứng trung bình, 3 điểm là phản ứng trên trung bình và 4 điểm sẽ là phản ứng rất tốt. (4) Bước 4: Xác định điểm số quan trọng (W * R). (5) Bước 5: Xác định tổng số điểm, tối đa 4 điểm, tối thiểu 1 điểm, trung bình 2,5 điểm.
Đánh giá: 4 điểm: phản ứng tốt đối với các thay đổi, cơ hội và đe doạ của môi trường bên ngoài; 2 điểm: phản ứng xấu, chiến lược chưa thích nghi và chưa hiệu quả.
Môi trường bên trong
Thực chất của quá trình phát triển chiến lược là việc tìm ra và phát triển các lợi thế cạnh tranh. Do đó, việc tìm hiểu môi trường bên trong có một ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm: Nguồn lực vật chất, nhân lực, vấn đề về giới tính.
Cách xác định ma trận đánh giá các yếu tố bên trong (Internal Factor Evaluation Matrix, IFE Matrix): Qui trình thực hiện và đánh giá các yếu tố của môi trường bên trong tương tự như qui trình và cách đánh giá của ma trận đánh giá các yếu tố bên ngoài (EFE Matrix).
Ma trận SWOT (Strengths, Weaknesses, Opportunities, Threats). Đây là ma trận phân tích những điểm mạnh, những điểm yếu của môi trường bên trong cùng với những cơ hội và đe dọa từ môi trường bên ngoài trên cơ sở kết hợp các điểm trên để phát triển hai loại chiến lược quan trọng đó là: các chiến lược điểm mạnh – cơ hội (SO) và các chiến lược điểm yếu – nguy cơ (WT). Quá trình phân tích hai chiến lược này chính là nền tảng để xây dựng các chiến lược chính góp phần nâng cao thu nhập của người dân bản sứ.
Hoạch định chiến lược phát triển nông thôn
Hoạch định chiến lược phát triển nông thôn phải trải qua bốn bước như sau:
Bước 1: Dựa vào ma trận SWOT để hình thành những nét đặc trưng nổi bậc của vùng trên cơ sở tổng hợp các chiến lược (SO) điểm mạnh – cơ hội tạo nên những điểm tích cực và các chiến lược điểm yếu – đe dọa (WT) làm thành những điểm tiêu cực của vùng.
Bước 2: Từ những nét đặc trưng ấy giúp ta có một tầm nhìn hay một định hướng chiến lược cụ thể về vùng nông thôn trong tương lai.
Bước 3: Với tầm nhìn hay định hướng đó sẽ giúp ta xác định được các chiến lược phát triển chính cần phải thực hiện trong tương lai.
Bước 4: Ứng với mỗi chiến lược phát triển thì cần phải thiết lập được các dự án cụ thể và giữa các dự án phải có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện thành công của từng loại chiến lược. Chính sự thành công trong mỗi chiến lược sẽ góp phần thúc đẩy sự thành công mỹ mãn định hướng chiến lược được vạch ra ngay từ ban đầu. Và đó chính là mục tiêu cao quý nhất của đề tài.

KẾT LUẬN
Đề tài nghiên cứu Định hướng chiến lược phát triển nông thôn vùng Đông Nam Bộ đã tiến hành thu thập và phân tích số liệu về hiện trạng kinh tế – xã hội của vùng, phân tích những điểm mạnh, điểm yếu của môi trường bên trong cũng như phân tích những cơ hội và đe doạ từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng nông thôn Đông Nam Bộ.KẾT LUẬN Trên cơ sở phân tích phân tích số liệu về hiện trạng kinh tế – xã hội cũng như phân tích những cơ hội và đe doạ từ môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của vùng nông thôn Đông Nam Bộ, tác giả đã tiến hành thiết lập ma trận hoạch định chiến lược SWOT để phối hợp hai loại chiến lược điểm mạnh – cơ hội (SO) tạo thành những điểm tích cực cùng với những điểm tiêu cực từ cặp chiến lược điểm yếu – đe doạ (WT) đã hình thành được những nét đặc trưng chung của vùng. Từ những nét đặc trưng này tác giả thiết lập tầm nhìn hay một định hướng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn Đông Nam Bộ.
Tài liệu tham khảo:
- Hoàng Việt và Vũ Thị Minh, 2020. Giáo trình Kinh tế phát triển nông thôn. Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
- Trần Đoàn Thanh Thanh, 2022. Giáo trình Phát triển nông thôn. Nhà xuất bản Đại học Huế.
- Nguyễn Duy Hưng, 2024. Những thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Tạp chí Cộng sản- AIDA, 2004. Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển nông thôn theo vùng. Nhà xuất bản Nông Nghiệp.
Nguyễn Thị Vui
Trường Cao Đẳng Cộng Đồng Hậu Giang
Tạp chí in số tháng 7/2025
email: [email protected], hotline: 086 508 6899