Doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý rủi ro giá giao dịch liên kết trong thanh tra, kiểm tra

22/04/2024, 14:51
báo nói -

TCDN - Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam cho rằng, để có một sự chuẩn bị toàn diện, doanh nghiệp cần lập kế hoạch quản lý rủi ro giá giao dịch liên kết trước, trong và sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam vừa có chia sẻ với PV Tạp chí Tài chính doanh nghiệp về vấn đề quản trị rủi ro giá giao dịch liên kết trong công tác thanh tra, kiểm tra năm 2024.

Bà có đánh giá gì về xu hướng thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết tại các doanh nghiệp trong thời gian qua?

Nhìn lại tình hình năm 2023, số thuế truy thu trung bình trong một cuộc thanh tra, kiểm tra thuế thông thường chỉ ở mức 0,63 tỷ đồng. Trong khi đó, con số truy thu trung bình trong một cuộc thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng được ghi nhận ở mức 2,21 tỷ đồng, tức cao hơn gấp 3,5 lần. Không chỉ chịu tác động về khía cạnh tài chính như tăng chi phí không được trừ cho mục đích tính thuế TNDN, giảm chuyển lỗ, thay đổi lộ trình hưởng ưu đãi thuế và tăng nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp còn có thể chịu ảnh hưởng phi tài chính liên quan đến danh tiếng của doanh nghiệp và cả tập đoàn.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam.

Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc phụ trách toàn quốc về tư vấn giá giao dịch liên kết, Deloitte Việt Nam.

Tổng Cục thuế đã ban hành Công văn số 5127/TCT-TTKT 2023 ngày 16/11/2023 hướng dẫn lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế năm 2024 và Công văn số 5654/TCT-TTKT ngày 13/12/2023 hướng dẫn và chỉ đạo các Chi cục Thuế tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhận diện và phân tích chuyên sâu các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro giá chuyển nhượng như doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết giá trị lớn; doanh nghiệp kê khai lỗ lớn và liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh; có doanh thu tăng trưởng nhưng số thuế nộp ngân sách nhà nước thấp… đồng thời tăng cường việc phối hợp giữa các sở ban ngành địa phương trong thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh công tác đào tạo, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ thuế và tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp bị ấn định và điều chỉnh thuế giá giao dịch liên kết có thể khiến tập đoàn phải rà soát và cân nhắc điều chỉnh chiến lược kinh doanh cũng như chính sách giá nội bộ trong tương lai. Vì vậy, doanh nghiệp nên đặc biệt lưu tâm và lập kế hoạch quản trị rủi ro giá giao dịch liên kết chi tiết và phù hợp để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Theo quan sát của Deloitte Việt Nam, nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp thường bị truy thu thuế nhiều hơn trong các cuộc thanh tra, kiểm tra giá giao dịch liên kết so với các cuộc thanh tra, kiểm tra thuế thông thường đến từ sự khác biệt trong cách hiểu và vận dụng quy định theo các góc nhìn khác nhau.

Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở tham chiếu đến Hướng dẫn của OECD về xác định giá giao dịch liên kết cho các công ty đa quốc gia và cơ quan quản lý thuế. Chính vì vậy khi áp dụng các quy định này vào thực tiễn, doanh nghiệp và cơ quan thuế có thể có những quan điểm và đánh giá khác biệt, từ đó dẫn đến các trường hợp ấn định và/hoặc điều chỉnh giá giao dịch liên kết với giá trị trọng yếu.

Như bà vừa trao đổi, doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong việc hiểu và vận dụng quy định. Ngoài ra doanh nghiệp còn gặp vấn đề gì trong quá trình thanh tra, kiểm tra, thưa bà?

Vào tháng 2/2024 vừa qua, Deloitte Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo trực tuyến “Quản trị rủi ro trong thanh tra, kiểm tra giao dịch liên kết năm 2024” với sự tham gia của hơn 1.000 đại diện cấp cao của các doanh nghiệp trên cả nước. Thông qua các trao đổi trong hội thảo cũng như kinh nghiệm tư vấn chuyên sâu, chúng tôi đã đúc kết có ba nhóm nội dung truy vấn chính về giá giao dịch liên kết thường gặp khi thanh tra, kiểm tra.

Truy vấn về nghĩa vụ tuân thủ: Cơ quan thuế có thể truy vấn về thời điểm lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết, tính đầy đủ và chính xác của thông tin được trình bày trong Hồ sơ hoặc việc doanh nghiệp tự xác định trường hợp miễn trừ nghĩa vụ lập Hồ sơ đã đúng chưa.

Truy vấn về phân tích so sánh: Các nội dung về lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết, quy trình lựa chọn doanh nghiệp tương đồng và các điều chỉnh giả định các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận hoặc điều chỉnh khác biệt trọng yếu mà người nộp thuế thực hiện khi phân tích so sánh thường là những vấn đề được xem xét và yêu cầu giải trình, làm rõ trong thanh tra, kiểm tra.

Truy vấn đối với từng giao dịch liên kết: Các giao dịch liên kết có giá trị trọng yếu và bản chất đặc thù như giao dịch mua tài sản cố định, mua bán nguyên vật liệu, thanh toán phí bản quyền, thanh toán phí dịch vụ nội bộ tập đoàn hoặc giao dịch tài chính là các giao dịch cơ quan thuế có thể truy vấn chuyên sâu. Ví dụ, đối với giao dịch trả phí dịch vụ nội bộ tập đoàn, doanh nghiệp có thực sự nhận hỗ trợ từ bên liên kết không, lợi ích kinh tế của các dịch vụ này là gì, năng lực cung cấp dịch vụ bên liên kết như thế nào và phí dịch vụ có tuân thủ theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập không.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Được biết, trong năm 2024 các Cục Thuế sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo bà, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch như thế nào trong giai đoạn này?

Để có một sự chuẩn bị toàn diện, doanh nghiệp cần lập kế hoạch quản lý rủi ro giá giao dịch liên kết trước, trong và sau thanh tra, kiểm tra, cụ thể:

Chuẩn bị thanh tra, kiểm tra: Doanh nghiệp cần đảm bảo thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ tuân thủ, đảm bảo tiến độ và chất lượng của bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cũng như chứng từ bổ trợ của từng giao dịch. Doanh nghiệp cũng cân nhắc chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro như tự theo dõi, kiểm tra, thực hiện điều chỉnh các giao dịch liên kết chưa theo nguyên tắc giá giao dịch độc lập; xem xét kết quả thanh tra, kiểm tra trong quá khứ, thường xuyên cập nhật xu hướng thanh tra, kiểm tra để có sự điều chỉnh và chuẩn bị kịp thời.

Trong thanh tra, kiểm tra: Doanh nghiệp cần chuẩn bị, rà soát kỹ lưỡng và cung cấp đủ tài liệu, hồ sơ cho cơ quan thuế đúng thời hạn yêu cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược giải trình chi tiết, cân nhắc các phương án giải trình trên mọi khía cạnh và thực tiễn hoạt động để áp dụng phù hợp.

Sau thanh tra, kiểm tra: Trường hợp doanh nghiệp đồng thuận với kết quả tại Biên bản thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp có thể sử dụng kết quả này để tham chiếu khi thực hiện bộ Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho các năm sau. Ngược lại, nếu không đồng thuận với kết quả thanh tra, kiểm tra, doanh nghiệp cần bảo lưu ý kiến không đồng ý trong biên bản và có những kế hoạch chuẩn bị cho quá trình khiếu nại.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý rủi ro giá giao dịch liên kết trong thanh tra, kiểm tra tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan