Xác định giá tính thuế của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết như thế nào?
TCDN - Việc giải quyết đề nghị áp dụng xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết có thể sử dụng cơ sở dữ liệu và cơ sở dữ liệu thương mại để so sánh, xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư hướng dẫn áp dụng APA trong quản lý thuế. Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thi hành Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về việc áp dụng Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Theo Bộ Tài chính, việc thực hiện cơ chế APA là cần thiết vì đây là xu thế chung mà các cơ quan thuế các nước đều đang áp dụng hiệu quả để quản lý nguồn thu từ các giao dịch xuyên biên giới, đồng thời xét về nguyên tắc cơ chế này sẽ mang lại lợi ích cho cả người nộp thuế, và là cầu nối để Việt Nam hòa nhập với xu thế chung về thuế quốc tế trên thế giới. Mặt khác, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế, xác lập dựa trên các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế.
“Tuy nhiên do đây vẫn là một cơ chế thuế mới, Việt Nam còn chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, nên cần thiết phải tiếp tục củng cố khung pháp lý phù hợp, có lộ trình thực hiện để hạn chế các rủi ro về số thu do việc APA được xác lập trên cơ sở các thông tin dự kiến, kế hoạch của người nộp thuế và các thông tin từ các nguồn dữ liệu khó kiểm chứng”, Bộ Tài chính cho hay.
Bên cạnh đó, cơ chế APA được quy định là một cơ chế tự nguyện, được thực hiện trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và quy định hiện hành chưa đưa ra được các nguyên tắc, giới hạn cần thiết cho phép cơ quan thuế có thể sàng lọc, lựa chọn các trường hợp phù hợp để giải quyết, tương xứng với nguồn lực của cơ quan thuế cũng như đảm bảo đạt được mục tiêu của chương trình này là nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, giảm chi phí tuân thủ pháp luật thuế.
Theo dự thảo, giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Người nộp thuế được quyền đề nghị một hoặc nhiều giao dịch liên kết để áp dụng APA. Người nộp thuế có thể gộp chung nhiều giao dịch liên kết có tính chất phụ thuộc lẫn nhau thành giao dịch tổng thể để phản ánh tính khách quan phù hợp với quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Dự thảo cũng quy định rõ, giao dịch được đề nghị áp dụng APA theo quy định tại khoản 1 Điều này cần đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: giao dịch không liên quan đến thu nhập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trường hợp trong kỳ tính thuế doanh nghiệp có thu nhập được miễn thuế và thu nhập không được miễn thuế theo quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải hạch toán riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không liên quan đến thu nhập được miễn thuế để làm căn cứ xác định các giao dịch đề nghị áp dụng APA theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp doanh nghiệp không hạch toán riêng được thì thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được miễn thuế được xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh được ưu đãi miễn thuế trên tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Giao dịch có đủ thông tin, tài liệu để xác định bản chất giao dịch liên kết phù hợp nguyên tắc phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Giao dịch tìm kiếm được số lượng đối tượng so sánh độc lập để xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn phù hợp theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ từ nguồn cơ sở dữ liệu thương mại có sự kiểm chứng đảm bảo tính pháp lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA, mà kết quả xác định mức giá hoặc tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận của người nộp thuế liên quan đến giao dịch đó không có biến động mang tính trọng yếu giữa các năm tính thuế trong giai đoạn trước khi nộp hồ sơ đề nghị áp dụng APA chính thức so với giai đoạn đề nghị áp dụng APA và phù hợp với các quy định về phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp xác định giá giao dịch liên kết.
Giao dịch có nghĩa vụ thuế phát sinh từ giao dịch không thuộc đối tượng giải quyết tranh chấp, khiếu nại về vi phạm hành chính về thuế; giao dịch không thuộc trường hợp được sắp xếp nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.
Bên cạnh đó, dự thảo quy định về thông tin, dữ liệu sử dụng trong giải quyết đề nghị áp dụng APA. Cụ thể, thông tin tài chính và dữ liệu của người nộp thuế dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập có uy tín.
Cơ sở dữ liệu được lựa chọn để phân tích so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và quy định về cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu thương mại được sử dụng cho mục đích phân tích so sánh, xác định khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn của các giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA phải là các thông tin tài chính và dữ liệu của doanh nghiệp được thu thập, tập hợp, chuẩn hóa, cập nhật dựa trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập, báo cáo thường niên của doanh nghiệp do các tổ chức kinh doanh dữ liệu thu thập từ các nguồn thông tin công khai và các bên liên quan đều có thể truy cập.
Việc lựa chọn dữ liệu so sánh khi phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng APA được thực hiện theo các nguyên tắc phân tích so sánh, các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết và thứ tự ưu tiên lựa chọn dữ liệu so sánh quy định tại văn bản pháp luật hướng dẫn về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay, tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP đã có quy định về việc sử dụng về cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết của người nộp thuế, trong đó có cơ sở dữ liệu thương mại và quy định về thứ tự ưu tiên lựa chọn dữ liệu so sánh trong việc phân tích lựa chọn đối tượng so sánh độc lập. Do đó để áp dụng thống nhất, đề xuất dự thảo Điều này theo hướng việc sử dụng cơ sở dữ liệu để phân tích so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi APA được thực hiện theo quy định.
Chi tiết Dự thảo Thông tư xem tại đây.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899