Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

05/11/2020, 19:40

TCDN - Tại phiên họp thảo luận về các vấn đề kinh tế xã hội chiều 5/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng vừa ký Nghị định mới thay thế Nghị định 68, và Nghị định 20 cũ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Liên quan đến ý kiến của các đại biểu Quốc hội về vấn đề quản lý thuế đối với doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết và doanh nghiệp FDI, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Việt Nam đã ký trên 80 Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần với các nước. Điều 24 của Hiệp định quy định không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng thời theo cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nguyên tắc đối xử quốc gia, cấm phân biệt đối xử với các thành phần trong nước về thuế. Nguyên tắc đối xử quốc gia được xác định tại điều 3 Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch; điều 17 Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ; điều 3 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ có Nghị định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ có Nghị định mới về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

“Chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ đã ban hành Nghi định 68 sửa đổi Nghị định 20. Ngày hôm qua Thủ tướng ký Nghị định mới thay Nghị định 68, Nghị định 20 trước kia hướng dẫn luật quản lý thuế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Trước đó, đại biểu Bùi Thanh Tùng (đoàn Hải Phòng) cho biết, tại các kỳ họp từ thứ 7 đến thứ 9, một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, đó là Nghị định số 20 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ tới các doanh nghiệp của Việt Nam. Thực tế chưa tạo ra biện pháp hiệu quả để thực thi kế hoạch hành động của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) về chống chuyển giá và chuyển lợi nhuận, còn gọi là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty Holding, công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

“Tháng 6/2020 Nghị định số 68 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và vẫn tiếp tục kiến nghị về dài hạn. Cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp”, đại biểu Bùi Thanh Tùng kiến nghị.

Đồng thời, theo ông Tùng, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh.

Thanh Phương
Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Nâng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30% đối với giao dịch liên kết
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này cho phép nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.
Chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI đã đến hồi cảnh báo
Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.