Giao dịch liên kết doanh thu trên 18 nghìn tỷ đồng phải lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia

06/11/2020, 16:17
báo nói -

TCDN - Nghị định 132 mới ban hành về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nêu rõ, người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên có trách nhiệm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định 132 có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 sẽ thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020 của Chính phủ về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo Nghị định, tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ ki xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.

Quy định không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).

Nghị định 132 tiếp tục giữ nguyên quy định mức trần chi phí lãi vay 30%, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Nghị định 132 tiếp tục giữ nguyên quy định mức trần chi phí lãi vay 30%, cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo đại diện Tổng cục Thuế, một trong những điểm mới cơ bản của Nghị định 132/2020/NĐ-CP là bổ sung thêm đối tượng miễn áp dụng quy định đối với “nhà ở xã hội”. 

Người nộp thuế trong giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 132 có trách nhiệm kê khai, xác định giá giao dịch liên kết, không làm giảm nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam.

Người nộp thuế có trách nhiệm chứng minh việc thực hiện, phân tích, so sánh và lựa chọn phương pháp xác định giá giao dịch liên kết theo quy định khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Nghị định cũng nêu rõ, người nộp thuế có nghĩa vụ liên quan đến Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên có trách nhiệm lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Thời hạn nộp Báo cáo cho Cơ quan thuế chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao.

Đại diện Tổng cục Thuế cho hay, từ góc độ hội nhập thuế quốc tế, Nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về kê khai báo cáo lợi nhuận liên quốc gia phù hợp cam kết quốc tế tại các Diễn đàn BEPS mà Việt Nam là thành viên.

Các trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết: trường hợp chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam, áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế và không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.

Người nộp thuế có trách nhiệm kê khai xác định giá trị giao dịch liên kết nhưng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp có phát sinh giao dịch liên kết nhưng tổng doanh thu phát sinh của kỳ tính thuế dưới 50 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các giao dịch liên kết phát sinh trong kỳ tính thuế dưới 30 tỷ đồng.

Người nộp thuế đã ký kết Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế thực hiện nộp Báo cáo thường niên theo quy định pháp luật về Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế.

Người nộp thuế thực hiện kinh doanh với chức năng đơn giản, không phát sinh doanh thu, chi phí từ hoạt động khai thác, sử dụng tài sản vô hình có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, áp dụng tỷ suất lợi nhuận thuần chưa trừ chi phí lãi vay và thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm chênh lệch doanh thu và chi phí hoạt động tài chính) trên doanh thu thuần, bao gồm các lĩnh vực phân phối từ 5% trở lên; sản xuất từ 10% trở lên; gia công từ 15% trở lên.

Chi tiết Nghị định xem tại đây.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Giao dịch liên kết doanh thu trên 18 nghìn tỷ đồng phải lập báo cáo lợi nhuận liên quốc gia tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Nâng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30% đối với giao dịch liên kết
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nghị định này cho phép nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%.
Chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp FDI đã đến hồi cảnh báo
Phát biểu tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội ngày 3/11, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định, hoạt động chuyển giá, trốn thuế của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) nói riêng đã đến hồi cảnh báo.