Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quyết toán thuế, hoàn thuế
TCDN - Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế (29%) và hoàn thuế (21%), theo báo cáo PCI năm 2022.
Đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế trong báo cáo PCI năm 2022, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến.
Tuy nhiên, qua phản ánh vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy chữa cháy (13%) và xây dựng (13%).
Trong số các thủ tục hành chính thuế, nhóm doanh nghiệp báo cáo gặp vướng mắc với khâu quyết toán thuế chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 49%, tiếp sau là khâu đề nghị miễn, giảm thuế 29% và hoàn thuế 21%.
Theo báo cáo PCI năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2022 cao hơn tỷ lệ tương ứng của năm 2021 ở ba khâu quy trình gồm khai thuế, quyết toán thuế (nộp tờ khai) và nộp thuế. Đáng chú ý là trong khi sự khác biệt giữa kết quả năm 2021 và 2022 ở khâu khai thuế và nộp thuế là khá nhỏ thì tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với quyết toán thuế đã tăng đáng kể từ mức xấp xỉ 25% (năm 2021) lên mức 49% (năm 2022).
Sự thay đổi đáng kể như vậy thông thường đến từ những biến động về mặt chính sách hoặc quy định pháp luật. Điều này hàm ý rằng chúng ta cần xem xét cụ thể hơn những quy định mới nào chính thức có hiệu lực trong năm 2022 mà có thể có ảnh hưởng sâu rộng đến trải nghiệm của các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục quyết toán thuế.
Dữ liệu từ các câu hỏi mở trong khảo sát PCI 2022 cho thấy nhiều trường hợp vướng mắc về quyết toán thuế dường như có liên quan đến việc triển khai hóa đơn điện tử bắt buộc trên toàn quốc để thay thế cho hóa đơn giấy kể từ ngày 01/7/2022. Đây có thể xem là thay đổi đáng kể nhất liên quan đến tuân thủ pháp luật về thuế trong năm qua. Việc chuyển đổi bắt buộc này là một yêu cầu tất yếu của hệ thống quản lý thuế hiện đại, giúp minh bạch thông tin, giảm thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý thuế. Việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp cơ quan quản lý thuế xây dựng được cơ sở dữ liệu về hóa đơn, qua đó phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro của doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Tuy vậy, việc triển khai hóa đơn điện tử trong năm 2022 vẫn gây ra những khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông trong điều kiện quy mô đầu tư còn hạn chế.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh vẫn quen thuộc với hóa đơn giấy, tư duy quản lý hóa đơn còn đơn giản nên chưa thích nghi kịp với các hình thức quản lý kế toán phức tạp hơn có sử dụng hóa đơn điện tử. Những doanh nghiệp này cũng đối diện những hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính hoặc phần mềm quản lý hóa đơn và kê khai quyết toán thuế. Kết quả phân tích dữ liệu sâu hơn về đặc điểm của những doanh nghiệp gặp khó khăn với khâu quyết toán thuế cho thấy các nhóm doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 50 người nhìn chung gặp khó khăn hơn so với doanh nghiệp có quy mô lớn hơn.
“Các kết quả phân tích trên không phủ nhận những tiến bộ mạnh mẽ của ngành thuế trong thời gian qua, đặc biệt trong công tác chuyển đổi số mà nhằm nhấn mạnh rằng song song với quá trình chuyển đổi số, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến hiệu quả phổ biến thông tin, giải đáp vướng mắc và hỗ trợ các nguồn lực phù hợp cho doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ) để họ chuẩn bị tốt hơn trước những thay đổi của quy định pháp luật”, báo cáo PCI năm 2022 nêu rõ.
Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899