Doanh nghiệp đóng thuế như thế nào khi tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp?
TCDN - Đối với lĩnh vực khai thác hoặc tận thu tài nguyên khoáng sản là đất san lấp, các cá nhân, tổ chức phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về phí bảo vệ môi trường và Thuế tài nguyên khoáng sản.
Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác tận thu khoáng sản được quy định tại Điều 2 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản quy định: “Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý, thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản”.
Tại khoản 3 Điều 4 và điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu như sau:
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng quy định tại Biểu mức thu ban hành kèm theo Nghị định này.
Trường hợp được áp dụng mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản tận thu: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân không nhằm mục đích khai thác khoáng sản, nhưng có chức năng, nhiệm vụ hoặc có đăng ký kinh doanh, trong quá trình hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ hoặc theo chuyên ngành đã đăng ký mà thu được khoáng sản.
Mức phí cụ thể của từng loại khoáng sản tại từng địa phương do HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 164/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp hồ sơ khai phí bảo vệ môi trường với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp cùng nơi kê khai nộp Thuế tài nguyên...”.
Về Thuế tài nguyên, tại Khoản 1 Điều 7 Luật Thuế tài nguyên 2009 quy định khung Thuế suất tài nguyên đối với đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình là 3-10%; đối với đất, trừ đá nung vôi và sản xuất xi măng; sỏi; cát, trừ cát làm thuỷ tinh là 5-15% và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ.
Việc cải tạo đất được thực hiện từ nhu cầu thực tế của người sử dụng đất để thuận lợi trong việc sản xuất. Quá trình cấp phép cải tạo mặt bằng kết hợp tận thu đất san lấp đã tận dụng kịp thời nguồn đất san lấp để đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy, các dự án tạo quỹ đất, phát triển sản xuất. Vấn đề này không chỉ đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương; đồng thời, hạn chế việc khai thác đất san lấp trái phép.
Đơn cử, ngày 23/11/2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ký giấy phép số 39/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác đất san lấp trong quá trình thi công mặt bằng xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thuỷ.
Trong giấy phép có nêu rõ, cho phép Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Đất Việt (Công ty Đất Việt) khai thác đất đồi dôi dư làm đất san, lấp khi thi công mặt bằng xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thuỷ trong phạm vi dự án xây dựng Nhà máy gạch Tuynel công nghệ cao khu Vai, thị trấn Ba Hàng Đồi...
Diện tích khai thác là 30.454,85 m2, được giới hạn bởi các điểm khép góc trong hồ sơ. Mức sâu cho phép khai thác (Cost) là +9,5 m.
Khối lượng đất san, lấp Công ty Đất Việt được khai thác là 114.040 m3. Phương pháp khai thác lộ thiên và thời gian khai thác trong vòng 09 tháng.
Công ty Đất Việt phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước như thuế tài nguyên khoáng sản, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, UBND tỉnh Hòa Bình cũng chỉ định rõ "phối hợp với đơn vị thi công thực hiện khai thác theo phương án đã phê duyệt; khối lượng đất dôi dư được phép khai thác chỉ được phục vụ cho thi công các dự án: Dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Yên Quang, xã Quang Tiến, thành phố Hòa Bình; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Chi Nê đi thôn Tân Thành, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ; Tiểu dự án xây dựng và nâng cấp hạ tầng du lịch Khu di tích Chùa Tiên, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ (đáp ứng khoảng 15,77% khối lượng đất cần để san nền của 3 dự án).
Với trữ lượng tài nguyên khoáng sản được cấp phép khai thác như vậy, Công ty Đất Việt đã nộp 308.162.456 đồng tiền cấp quyền, tới đây sẽ nộp tiếp 627.220.000 đồng tiền thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường theo quy định và đang thực hiện khai thác nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899