Doanh nghiệp hiến kế cùng Chính phủ vượt qua đại dịch

08/08/2021, 20:06

TCDN - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh.

Xã hội hóa công tác chống dịch

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch Covid-19, giảm gánh nặng cho ngân sách chính phủ. Doanh nghiệp và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vắc-xin, xét nghiệm, các chi phí y tế. Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trưởng trở lại.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thủ tướng Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương.

Tổng giám đốc Vietjet cũng kiến nghị, sau thời gian giãn cách chống dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, chúng ta cần chuyên gia, thương gia, cần các nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch… Để triển khai hiệu quả, theo kinh nghiệp các nước phát triển như Singapore, cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có 1 QR để khai báo y tế và trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên.

Bà Thảo bày tỏ tin tưởng doanh nghiệp tư nhân ở việc tham gia gánh vác cùng Chính phủ các chương trình lớn, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa. Số ít duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường, hai điểm đến" cũng cầm chừng và nguy cơ không thực hiện được đơn hàng. Việc giao hàng chậm, phải giao hàng bằng đường hàng không và bị khách huỷ đơn hàng là rất lớn.

Chủ tịch Vitas cho rằng, để thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch, bảo đảm thu nhập cho người lao động và hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng thì vấn đề khai thác vắc-xin nhiều nhất, nhanh nhất và tiêm đúng đối tượng là cấp bách. Chính phủ, Bộ Y tế cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho người lao động trong các nhà máy, khu công nghiệp, lái xe, shipper... Việc này có ý nghĩa rất quan trọng với ngành sản xuất, logistics, vì họ là những mắt xích quan trọng giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.

"Doanh nghiệp sẵn sàng góp chi phí, đẩy nhanh tìm nguồn cung và tiến độ tiêm chủng", ông Giang đề nghị.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các “vùng xanh” nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất thời gian tới với ngành du lịch là làm sao mở rộng được các “vùng xanh” an toàn và biện pháp kết nối các vùng này với nhau. Cùng với đó, chuẩn bị, thí điểm cho việc mở cửa với thế giới khi Việt Nam tiêm đủ vắc-xin cho đa số người dân.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu… đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp; cho rằng những khó khăn mà doanh nghiệp phản ánh đã được Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý, giải quyết rất kịp thời. Những nội dung mà Chính phủ Việt Nam cam kết với các doanh nghiệp FID được chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, theo đúng cam kết.

Cộng đồng doanh nghiệp FDI mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vắc-xin phòng COVID-19; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI được tiêm; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các doanh nghiệp FDI; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh;…

thu-tuong-doanh-nghiep-1

Thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Với tinh thần đồng  hành với doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách, đưa ra giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động  sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương  năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.

Một điểm đáng quan tâm hơn nữa là đợt dịch thứ 4 này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan chắt lọc, tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm để hoàn thành, trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay. Những ngày tới, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội. “Hai Nghị quyết này cố gắng đáp ứng những gì cao nhất có thể trong điều kiện có thể của nền kinh tế, của đất nước ta, trong thẩm quyền của Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhắc lại, chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là không để khủng hoảng y tế, lấy sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; không để khủng hoảng kinh tế - xã hội, phấn đấu cao nhất đưa đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất có thể.

Thủ tướng nhấn mạnh để phòng chống dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận chịu hy sinh, mất mát, quyết tâm thực hiện việc giãn cách xã hội, tránh lây nhiễm giữa người với người. “Khi cơ thể có bệnh thì phải chấp nhận đau đớn để mổ xẻ, để đổi lại sự khỏe mạnh và bình yên”. Các biện pháp phải được thực hiện quyết liệt, thống nhất, chặt chẽ với sự giám sát, quản lý từ phía Nhà nước và ý thức, trách nhiệm của người dân được nâng cao.

“Thẩm quyền của Chính phủ tới đâu thì Chính phủ tận dụng tối đa tới đó, cái gì vướng thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ cố gắng giải quyết. Rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu ra các vướng mắc trong các văn bản, vướng mắc từ thực tiễn bởi các quy định dù có làm kỹ đến đâu cũng không bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống rất phong phú”, Thủ tướng đề nghị.

Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng khẳng định Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế. Điều này đòi hỏi tất cả phải suy nghĩ, cộng đồng trách nhiệm trên tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, “không để làm chỗ này hổng chỗ kia”. Thủ tướng nhắc lại, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp kịp thời, cấp bách.

Về phía các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.

Thủ tướng nhắc lại Chính phủ và các chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tri ân những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đóng góp chung tay để cùng đất nước bước qua những thời điểm khó khăn, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI, không nề hà đáp ứng những lời kêu gọi từ phía chính quyền.

“Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ”, Thủ tướng nêu rõ.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp hiến kế cùng Chính phủ vượt qua đại dịch tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thủ tướng phân công nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19
Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn gửi các đồng chí Phó Thủ tướng; Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19.