Doanh nghiệp lĩnh hậu quả với tin giả
TCDN - Theo Phó tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, khi những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin giả, sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay.
Chia sẻ tại cuộc Tọa đàm Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả, ông Đậu Anh Tuấn khẳng định, tin giả ảnh hưởng đến mọi doanh nghiệp, người dân. Thực ra tin giả không phải gần đây mới xuất hiện, tuy nhiên dưới sự phát triển của mạng xã hội, nên thông tin giả khuyếch trương, tác động rất kinh khủng.
Theo ông Tuấn, trước đây tin đồn cũng đã xuất hiện, chẳng hạn như doanh nghiệp đang kinh doanh bình thường nhưng tự nhiên "một ngày đẹp trời" có một chỗ nào đấy đăng tin những tác động tiêu cực của sản phẩm của họ - chẳng hạn ăn có thể bị ung thư. Ngay lập tức việc cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp có thể chịu ảnh hưởng rất lớn, khách hàng có thể ngừng mua, ngừng nhập hàng, người ta đang kiểm định, đang tìm hiểu thì sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Một xu hướng điển hình nữa là chủ doanh nghiệp bị đồn là bị bắt hoặc bị bệnh tật. Có rất nhiều hình thức như vậy, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp rất lớn.
Ông Tuấn cho biết, những năm gần đây, đặc biệt với sự phát triển mạng xã hội ở Việt Nam thì tin giả ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn. Chúng ta có thể hình dung khi mà những tin đồn về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp hay là những thông tin sai lệch xuất hiện lan tràn trên không gian mạng, lập tức doanh nghiệp lĩnh hậu quả ngay.
Theo đó, cổ phiếu của doanh nghiệp xuống giá, ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay lập tức phải tìm hiểu ngay về "sức khỏe" của doanh nghiệp, thậm chí có thể đình trệ hợp đồng tín dụng, gây nên rất nhiều đối tác có thể cũng bị ảnh hưởng đến hoạt động. tức là tin giả nhưng hậu quả rất thật.
“Và những yếu tố này gây ảnh hưởng rất khủng khiếp đối với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng điều đáng ngại hơn là tác động của tin giả này là nhiều lúc doanh nghiệp như đối đầu với "bóng ma", vì trước đây nếu nguồn gốc tin giả có thể biết là được một tờ báo, một địa điểm nào hay một người cung cấp tin nhưng hiện nay với mạng xã hội, từng doanh nghiệp một sẽ rất khó biết nó từ đâu ra, vì cái gì, liên quan đến ai? Cho nên ảnh hưởng đến doanh nghiệp rất lớn”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đậu Anh Tuấn, cơ chế đầu tiên là chúng ta phải khuyến khích cơ chế kiện đòi bồi thường đối với những vụ việc ở đây, không thể hành vi nào vi phạm chúng ta nâng lên được. Chúng ta phải có cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rõ ràng.
Điểm thứ 2, theo ông Tuấn trên mạng xã hội cũng phải phân ra, có những người bình thường và những người có ảnh hưởng (KOL). Ở các nước sẽ phải tập trung quản lý về những người này, không chỉ là sử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện. Đơn cử như Singapore, họ quảng cáo cho một sản phẩm, nếu nhận tài trợ hay có nguồn từ chỗ nào đấy thì nghĩa vụ họ là phải công khai, khai báo lên là họ đang dùng thử một sản phẩm mà họ được tài trợ của nhãn hàng đấy, nếu không sẽ bị xử phạt rất nhiều.
Do đó, theo ông Tuấn, phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, chứ không để tình trạng nhập nhằng như hiện nay. Cái gì liên quan đến kiếm tiền, có nguồn lợi từ đó thì phải công khai, đấy là một cơ chế trong nhiều cơ chế khác.
“Chúng ta không đòi hỏi môi trường tuyệt đối, hoàn hảo được, nhưng phải xác lập cơ chế làm sao tự giải quyết trên môi trường mạng”, ông Tuấn nói.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899