Doanh nghiệp nào đã chi tiền quảng cáo ở chung kết SEA Games?

11/12/2019, 08:40

TCDN - 15 phút giải lao trận U22 Việt Nam vs Indonesia, 32 nhãn hàng đầu tư quảng cáo dù mức báo giá gần 1 tỷ cho 30 giây. Samsung và LG chịu chi nhất với 90 giây xuất hiện cho mỗi bên.

v_zing_5_1

Trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30 diễn ra tối 10/12 nhận được sự quan tâm đặc biệt từ người hâm mộ Việt Nam. Với lượng người xem đông đảo, nhà đài tranh thủ cơ hội tăng đơn giá quảng cáo gần gấp đôi vào khung giờ “vàng”.

Cụ thể, Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình (TVAd) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam VTV báo giá quảng cáo cho khung thời gian 30 giây trong trận chung kết môn bóng đá nam SEA Games 30 là 950 triệu đồng. Giá quảng cáo cho các gói 10 giây, 15 giây, 20 giây lần lượt là 475, 570 và 713 triệu đồng.

Ở 15 phút nghỉ giữa hai hiệp, đã có 40 lượt quảng cáo đến từ 32 nhãn hàng xuất hiện trên sóng truyền hình. Trong đó gồm 1 lượt quảng cáo 10 giây, 26 lượt quảng cáo 15 giây, 1 lượt quảng cáo 20 giây, 11 lượt quảng cáo 30 giây và 1 lượt quảng cáo dài 60 giây.

Loại hàng được đầu tư quảng cáo nhiều nhất là thực phẩm và đồ uống (gồm nước uống đóng chai, bia, nước tăng lực và mì gói), các thương hiệu sơn và tivi. Có 2 hãng hàng không chi tiền quảng cáo trong trận chung kết mang cúp vàng cho tuyển Việt Nam là Vietjet Air và AirAsia. 

Quảng cáo nước đóng chai Lavie có tần suất xuất hiện nhiều nhất với 4 lần, tiếp đó là quảng cáo tivi Samsung (3 lần). Pinaco, tivi LG và Vinamilk cùng có 2 lần lên sóng truyền hình.

Tổng thời lượng phát sóng dài nhất trong 15 phút giữa trận thuộc về quảng cáo tivi của 2 nhãn hàng đối thủ Samsung và LG, với cùng 90 giây. Tính theo báo giá từ nhà cung cấp, mỗi doanh nghiệp này đã phải bỏ ra số tiền 2,85 tỷ đồng.

Trong khi đó, TVAd ước tính nhận về khoảng 28,4 tỷ đồng (chưa kể doanh thu từ cho quảng cáo trong phần bình luận trận đấu). Đây được coi là mức thu cao kỷ lục trong một trận đấu bóng đá được phát sóng trực tiếp trên VTV.

Giá quảng cáo 950 triệu trong trận chung kết SEA Games 30 là con số ngang bằng trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 của tuyển Việt Nam gặp Malaysia, và cao hơn con số 800 triệu trong trận chung kết World Cup 2018.

Ở phần bình luận trước trận đấu, Sunhouse là đơn vị chiếm sóng quảng cáo nhiều nhất, với 2 sản phẩm bình nước nóng và điều hòa. Các quảng cáo còn lại thuộc về các nhãn hàng tiêu dùng nhanh, với các sản phẩm nước uống đóng chai, mì gói, sữa...

U22 Việt Nam đã vượt qua Indonesia 3-0 ở trận đấu diễn ra tối 10/12 trên sân Rizal Memorial nhờ cú đúp của Văn Hậu cùng sự tỏa sáng của Hùng Dũng. Với kết quả này, đoàn quân của HLV Park Hang-seo đã đi vào lịch sử thể thao nước nhà với tấm HCV đầu tiên ở nội dung bóng đá nam SEA Games sau 6 thập kỷ chờ đợi.

                                                                                                                        Theo Zing

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp nào đã chi tiền quảng cáo ở chung kết SEA Games? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Chi phí doanh nghiệp trả lương HLV Park Hang Seo, thưởng cầu thủ, tính thuế thế nào?
Số tiền khủng tài trợ bóng đá, trả lương cho HLV, thưởng cầu thủ... doanh nghiệp hạch toán thế nào? Chính sách thuế quy định ra sao? Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc công ty TNHH Kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ cùng Tài chính Doanh nghiệp: