Chi phí doanh nghiệp trả lương HLV Park Hang Seo, thưởng cầu thủ, tính thuế thế nào?
TCDN - Số tiền khủng tài trợ bóng đá, trả lương cho HLV, thưởng cầu thủ... doanh nghiệp hạch toán thế nào? Chính sách thuế quy định ra sao? Chuyên gia thuế Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc công ty TNHH Kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín, Ủy viên BCH Hội Tư vấn Thuế Việt Nam chia sẻ cùng Tài chính Doanh nghiệp:
Thưa ông, bóng đá Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đang có bước tiến vượt bậc và được cộng đồng doanh nghiệp chung tay hỗ trợ rất lớn về tài chính như trả lương HLV, cầu thủ và tiền thưởng hàng chục tỷ đồng. Với số tiền lớn như vậy, thông thường các nguồn tài trợ này được lấy từ nguồn nào và khoản chi này được tính vào chi phí không?
Thông thường các khoản chi của doanh nghiệp nói chung và đặc biệt là các khoản tài trợ của doanh nghiệp nói riêng được tài trợ (chi) cơ bản từ các nguồn chủ yếu: Lấy từ chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc từ Lợi nhuận sau thuế hoặc một số ít từ các quỹ của doanh nghiệp…
Thứ nhất: Nếu nguồn tài trợ được lấy từ lợi nhuận sau thuế hoặc các quỹ của doanh nghiệp thì khoản chi này không được tính vào chi phí. Trong trường hợp này doanh nghiệp chỉ ghi giảm Lợi nhuận sau thuế hoặc ghi giảm quỹ… Việc chi này do quyết định của các chủ sở hữu doanh nghiệp.
Thứ hai: Trường hợp ngược lại, nếu khoản tài trợ được hình thành từ chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì đương nhiên phải ghi nhận là một khoản chi phí trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo chuẩn mực kế toán. Vấn đề đặt ra là chi phí này có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào mục đích tài trợ.
Theo đó, nếu hợp đồng tài trợ có mục đích gắn với việc doanh nghiệp tài trợ được nhận lại một số quyền lợi hay dịch vụ, quảng cáo, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ … và có đủ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì khoản chi phí tài trợ này được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đây là một khoản chi phí thực tế phát sinh, có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh và có hóa đơn, chứng từ theo quy định (tất nhiên nếu trên 20.000.000 đ thì phải chuyển khoản khi tài trợ cho tổ chức) theo quy định tại khoản 1 điều 6 thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại điều 4 thông tư số 96/2015/TT-BTC.
Mặc khác, nếu hợp đồng tài trợ không có mục đích gắn với việc doanh nghiệp tài trợ được nhận lại quyền lợi hay dịch vụ, quảng cáo, giới thiệu, sản phẩm, dịch vụ… thì khoản chi tài trợ này không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp do không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại khoản 1 điều 6 thông tư 78 nêu trên.
Bên cạnh đó, Pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành chỉ cho phép các khoản tài trợ: y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình thương (tình nghĩa), tài trợ nghiên cứu khoa học theo đúng quy định của pháp luật mới được tính vào chi phí được trừ. Hay nói cách khác, đối với tài trợ cho thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thì pháp luật hiện hành chưa có quy định.
Tóm lại, nếu tài trợ mà được nhận lại quyền lợi hoặc dịch vụ quảng cáo thì được tính vào chi phí được trừ tất nhiên vẫn phải đảm bảo có đủ hóa đơn chứng từ. Ngược lại, tài trợ mà không được nhận lại quyền lợi hoặc dịch vụ quảng cáo … thì không được tính vào chi phí được trừ.
Trường hợp tiền tài trợ được trả thông qua VFF hay trực tiếp cho cá nhân huấn luyện viên hoặc cầu thủ thì chi phí này xử lý như thế nào và hóa đơn chứng từ trong mỗi trường hợp nêu trên thì ra sao để doanh nghiệp tài trợ được tính vào chi phí được trừ, thưa ông?
Như tôi đã phân tích ở trên, về cơ bản việc tài trợ nêu trên chi trả thông qua VFF hay trực tiếp cho các cá nhân là huấn luyện viên hoặc cầu thủ thì đều phải quan tâm đến nguồn hình thành tài trợ để ghi giảm lợi nhuận hay nguồn vốn hay tính vào chi phí của doanh nghiệp…
Khi nguồn hình thành tính vào chi phí của doanh nghiệp đồng thời doanh nghiệp được nhận lại quyền lợi từ bên nhận tài trợ hoặc bên thứ 3 chi trả thay thì cho dù chi trả cho tổ chức hay trực tiếp cho cá nhân cũng phải có đủ hồ sơ, hóa đơn, chứng từ theo quy định để được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể như sau:
Nếu chi trả thông qua VFF thì giữa doanh nghiệp và VFF phải có hợp đồng hay thỏa thuận hứa thưởng, hứa tài trợ kèm theo những chứng từ thanh toán tiền. Đồng thời, VFF phải xuất hóa đơn trả lại quyền lợi cho doanh nghiệp (Do VFF không phải là tổ chức kinh tế nên hóa đơn sẽ là hóa đơn trực tiếp và VFF phải nộp thuế 5% thuế GTGT theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 13 thông tư số 219/2013/TT-BTC và 5% thuế Thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 5 điều 3 thông tư số 78/2014/TT-BTC).
Trường hợp tài trợ trực tiếp cho cá nhân thì ngoài thỏa thuận hứa thưởng, thòa thuận tài trợ, chứng từ thanh toán tiền thì doanh nghiệp tài trợ phải thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân 10% trên tổng số tiền tài trợ tương ứng với quyền lợi nhận lại từ huấn luyện viên hoặc cầu thủ.
Trường hợp nếu VFF nhận thay cho cầu thủ rồi chi trả lại cho cầu thủ với tư cách là người thu hộ, chi hộ thì VFF không phải xuất hoá đơn và không phải nộp thuế. Trường hợp này xử lý như cá nhân nhận trực tiếp đã nêu trên.
Nói tóm lại cả ba trường hợp này giống như trao đổi, mua bán dịch dịch vụ nên việc thực hiện đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định.
Ngược lại, nếu việc tài trợ không được nhận lại quyền lợi, dịch vụ thì hoạt động này được coi như cho, biếu tặng bằng tiền… thì không được tính vào chi phí được trừ khi đó không nhất thiết cần phải có đủ các chứng nêu trên.
Tuy nhiên, nếu tài trợ cho VFF thì VFF không phải nộp thuế GTGT bởi đây là dịch vụ không phải kê khai nộp thuế GTGT theo khoản 1 điều 5 thông tư số 219 nhưng phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp 2% (hoạt động khác) theo quy định tại khoản 5 điều 3 thông tư 78 nêu trên. Đối với cá nhân thì không phải thực hiện khấu trừ thuế 10% theo quy định tại thông tư 111/2013/TT-BTC.
Theo như ông đã chia sẻ thì việc tài trợ này muốn được tính vào chi phí được trừ không đơn giản đồng thời các tổ chức (VFF) và cá nhân nhận được sau khi đóng thuế còn lại số tiền sẽ không nhiều có thể là tác động không tích cực để phát huy cho nền bóng đá nước nhà. Vậy giải quyết bài toán này theo ông chúng ta nên làm như thế nào?
Theo cá nhân Tôi khi pháp luật chưa có sự thay đổi thì doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện theo pháp luật hiện hành như đã phân tích nêu trên.
Tuy nhiên góc độ người làm chính sách và cơ quan nhà nước cũng cần lưu tâm thay đổi, bổ sung chính sách để hỗ trợ tích cực cho nền thể thao nói chúng và bóng đá nước nhà nói riêng được lớn mạnh và phát triển bền vững.
Theo đó, chúng ta nên quy định thêm khoản tài trợ cho các cuộc thi văn hóa, thể thao mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế theo đúng quy định của pháp luật là một khoản tài trợ được tính vào chi phí được trừ giống như các khoản tài trợ y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả thiên tai, tài trợ nghiên cứu khoa học…
Nếu làm được như vậy tôi tin rằng sẽ huy động được rất nhiều các nguồn lực khác nhau trong xã hội cùng chung tay với nhà nước để xây dựng nền văn hóa, thể thao phát triển đồng thời tạo ra động lực và cú hích từ nguồn tài trợ này.
Bởi lẽ nguồn tải trợ này sẽ tác động trực tiếp đến tổ chức, cá nhân được nhận tài trợ không phải thông qua kênh gián tiếp thu nộp ngân sách (thu thuế) sau đó mới quay trở lại tác động thông qua cơ chế khen thưởng của nhà nước…
Xin cảm ơn ông!
email: [email protected], hotline: 086 508 6899