Doanh nghiệp vượt khó trong năm 2023 nhờ giải pháp nào?

07/01/2023, 10:21
báo nói -

TCDN - Năm 2022 với nhiều biến động trong và ngoài nước ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam như lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả leo thang của mặt hàng nhiên liệu, khí đốt, sự siết chặt pháp lý về việc phát hành trái phiếu...Các chuyên gia đưa ra giải pháp nào giúp doanh nghiệp phát triển hơn trong năm 2023?

Nhiều chính sách hỗ trợ sẽ chấm dứt sau ngày 31/12/2022

Ông Mã Thanh Danh (Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế CIB) nhận định, nhìn lại năm qua, những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng chậm lại do những khó khăn như lạm phát, suy thoái kinh tế. Riêng Trung Quốc thì chính sách đóng cửa Zero Covid đã khiến nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề.

Các dự báo về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2022-2023 của VNDirect.

Các dự báo về kinh tế Việt Nam giai đoạn 2022-2023 của VNDirect.

Theo Vụ Liên Hợp Quốc về Vấn đề Kinh tế và Xã hội (UNDESA), tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ được dự báo chỉ đạt 1,5%, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt khoảng 4% trong năm 2022. Đây là lần đầu tiên trong hơn 3 thập kỷ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc tăng chậm hơn dự báo tăng trưởng chung của các nước châu Á đang phát triển.

Trong bối cảnh khó khăn chung nhưng kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2022, kinh tế Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao.

Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin là một trong những nước sống chung với dịch và phục hồi sau dịch nhanh nhất hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Mã Thanh Danh, trong năm 2023, một số chính sách giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2022.

Do đó, giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng giá trong năm 2023 theo lộ trình sau khi đã giảm hoặc giữ ổn định trong năm 2022 như: Giá điện, nước, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế. Doanh nghiệp cần lưu ý để có chiến lược kinh doanh thích hợp.

Doanh nghiệp cần phát huy sức mạnh nội tại

WorldBank dự báo năm 2023 kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại, và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng Việt Nam chậm theo, dẫu Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước "giữ phong độ" tốt nhất. Theo đó, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng tay nghề của người lao động để phát huy sức mạnh nội tại. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng tay nghề của người lao động để phát huy sức mạnh nội tại. Ảnh minh họa.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý Thành phố Hồ Chí Minh (HASCON) phân tích, doanh nghiệp muốn phát triển tốt hoạt động kinh doanh cần quan tâm đến nhiều yếu tố như : Thể chế của nền kinh tế, Luật pháp và Chính sách của Nhà nước, nguồn vốn, nguồn nhân lực, khoa học kỹ thuật, công nghệ và khoa học quản lý.

Ngoài những vấn đề mang tầm vĩ mô như thể chế, vấn đề huy động và tiếp cận vốn, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng sức mạnh nội tại của mình như nguồn nhân lực và đổi mới công nghệ, kỹ thuật và quản lý.

Ông Phúc nhận định, nhiều doanh nghiệp hiện nay quên mất công tác phát triển nguồn nhân lực, dẫn đến tình trạng chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Khi lựa chọn được hình thức đào tạo và phát triển phù hợp, doanh nghiệp cần cân nhắc về mục tiêu, đối tượng, kinh phí và giảng viên để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhanh nhất với nguồn kinh phí hợp lý nhất. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động được học tập, như hỗ trợ kinh phí, thời gian để nhân viên của mình toàn tâm, toàn ý cho quá trình học tập.

Tương tự như trên, ông Mã Thanh Danh cho rằng, việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn tốt đang là vấn đề bức thiết. Doanh nghiệp cũng nên thúc đẩy việc nhân viên học hỏi và nâng cao trình độ bản thân thông qua các khóa đào tạo. Doanh nghiệp phải tuyển dụng, bồi dưỡng, khuyến khích, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, khai thác được chất xám của họ trong nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thành quả nghiên cứu.

Từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, nhân sự cốt cán, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, phòng ban trong doanh nghiệp. Đồng thời, ông Danh kiến nghị doanh nghiệp áp dụng công nghệ và chuyển đổi số vào việc quản lý nhân sự để tránh lỗi con người, tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả của hoạt động quản lý. 

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc nhấn mạnh một nhân tố quan trọng khác là đổi mới công nghệ, áp dụng khoa học kĩ thuật mới vào hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đây là nền tảng để doanh nghiệp nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chủ động thích ứng với nhu cầu thị trường.

Hiện nay, còn nhiều dư địa và cơ hội để doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị và cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ về vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.

“Trong bối cảnh hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn yếu và đang hoàn thiện, doanh nghiệp cần ưu tiên phát triển năng lực bắt kịp trình độ công nghệ cao nhất thông qua tiếp nhận và phổ biến công nghệ tiên tiến từ nước ngoài hoặc các công ty đa quốc gia. Trở thành một nhà sản xuất hiệu quả và cạnh tranh không đòi hỏi phải tạo ra các công nghệ hàng đầu, nhưng phải biết sử dụng hiệu quả các công nghệ mới, đây chính là “khả năng hấp thụ công nghệ””, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc chia sẻ.

Ngoài ra, ông Mã Thanh Danh bày tỏ, vấn đề tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đối với các công ty sản xuất kinh doanh hiện nay còn nhiều khó khăn. Ngân hàng và các cơ quan chức năng có liên quan nên tạo điều kiện để những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả được tiếp cận vốn nhanh chóng, kịp thời hơn.

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp vượt khó trong năm 2023 nhờ giải pháp nào? tại chuyên mục Nhịp cầu doanh nghiệp của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm đạt trên 810 nghìn tỷ đồng
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt trên 811 nghìn tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2021, Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt trên 251,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,09% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp chật vật xây nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng nói gì?
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 3/1, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có trao đổi xung quanh việc xây dựng nhà ở xã hội đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên kết thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số
Hiện việc tiến hành chuyển đổi số của doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ ở phần nhận thức. Để chuyển đổi số đi vào thực chất, các bộ ngành và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cần liên kết lại với nhau để thúc đẩy đối tượng này vừa chuyển đổi số.