Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí cảng biển

25/02/2024, 10:27
báo nói -

TCDN - Việc tăng phụ phí của các hãng tàu nước ngoài đã làm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn trong bối cảnh xung đột Biển Đỏ.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam vừa văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ công Thương, Cục Quản lý giá Bộ Tài chính và Cục Hàng hải Việt nam về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Theo đó, Hiệp hội Chủ hàng cho biết từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.

Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý nhà nước, hầu hết ở mức rất cao, cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Cập nhật mới nhất, khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT Bộ Giao thông Vận tải quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hành ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ 15/2/2024 thì ngay từ đầu tháng 2/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10 - 20% phí THC (Terminal Handling Charge - phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam.

Điều đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng THC. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10 - 20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Có thể kể tới hãng tàu KMTC tăng phí từ 126 USD lên 138 USD kể từ ngày 15/2/2024, (tương đương tăng khoảng 290.000 đồng) với container 20 feet. Hãng Heunga tăng từ 120 USD lên 132 USD; hãng TSL tăng từ 3 triệu đồng lên 3,55 triệu đồng (tương đương tăng 550.000 đồng); hãng Yang Ming tăng từ 2,536 triệu đồng lên 3,042 triệu đồng (tương đương tăng hơn 500.000 đồng) từ ngày 20/2/2024…

“Việc ban hành Thông tư 39 đã được các Bộ ban ngành nghiên cứu rất kỹ lưỡng sau hơn 5 năm không điều chỉnh bất kỳ loại giá dịch vụ nào, nhưng các hãng tàu nước ngoài, chỉ trong thời gian chưa đến 1 tháng từ khi Thông tư 39 được ban hành đã ngay lập tức tự cho mình quyền điều chỉnh mức phí THC áp dụng riêng đối với Việt Nam, các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng”, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng thời khẳng định điều đáng nói là hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải là lần đầu tiên. Hiệp hội Chủ hàng nhận định điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với Quốc gia trong công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển và logistics nước nhà.

Với hiện trạng quan ngại nêu trên, Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các Cơ quan Ban Ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Cụ thể, bổ sung Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tuỳ ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.

Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì Cơ quan chức năng cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phù hợp.

Đồng thời, tham khảo học hỏi kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia… để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước.

Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, nếu có thể phát huy lợi thế nguồn tài nguyên biển và thị trường Việt Nam với khoảng 15 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển mỗi năm thì nguồn thu sẽ khoảng 3 tỷ USD – là vô cùng tiềm năng và quan trọng mà các hãng tàu nước ngoài không thể bỏ qua, chúng ta hoàn toàn có thể tăng cường hoạt động kiểm soát đối với các hãng tàu nước ngoài để bảo vệ quyền và lợi chính đáng của các doanh nghiệp và đất nước.

Do đó, Hiệp hội đề xuất các bộ, ngành kịp thời ban hành các quy định, cơ chế kiểm soát việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, bảo vệ vị thế xứng tầm của ngành hàng hải Việt Nam.

Minh Anh
Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị tăng cường quản lý phụ phí cảng biển tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực cảng biển
Trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn kéo theo tổng cầu thế giới sụt giảm, sức ép với ngành logistics trong việc tối ưu hóa để cạnh tranh, giành được đơn hàng càng trở nên gay gắt hơn.