Tăng trưởng doanh thu là bệ đỡ cho cổ phiếu cảng biển

11/11/2022, 11:06
báo nói -

TCDN - Phần lớn doanh nghiệp cảng biển tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu như quý II, góp phần tạo bệ đỡ cho nhóm cổ phiếu cảng biển.

Mọi cổ phiếu cảng biển đều giảm theo xu thế chung của thị trường chứng khoán trong vòng một tháng qua. Chẳng hạn, cổ phiếu GMD giảm gần 7%, cổ phiếu HAH giảm gần 27%, cổ phiếu DVP giảm hơn 2%, cổ phiếu CLL giảm gần 4%. PHP là cổ phiếu cảng biển hiếm hoi ngược dòng thị trường khi tăng hơn 16% trong vòng một tháng qua. Trong bối cảnh tiêu cực của thị trường, nhiều nhà đầu tư không còn chú ý tới nhóm cổ phiếu cảng biển.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý III/2022 đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II trước đó. Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 282 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ. Riêng hàng hóa thông qua cảng biển tăng 3%.

cang Hai Phong

Dữ liệu thống kê sơ bộ một số doanh nghiệp vận hàng khai thác cảng biển trên cả nước cho thấy phần lớn doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu như quý II, song mức tăng không quá đột biến.

Trong quý III, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - Mã: MVN), doanh nghiệp sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, ghi nhận doanh thu thuần 3.822 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động vận tải với 1.595 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kỳ, chiếm 42% doanh thu thuần). Hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải giảm 16% so với cùng kỳ, chiếm 47% doanh thu thuần. 

CTCP Gemadept (Mã: GMD) cũng ghi nhận sự khả quan từ hoạt động khai thác cảng với biên lãi gộp đạt 40,5%, cải thiện so với con số 36,1% của quý III/2021. Doanh thu thuần tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái lên 992 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng hơn 77%, đạt 287 tỷ đồng. Dù vậy, mức lợi nhuận này của Gemadept đã giảm tốc so với hai quý đầu năm.

Nhóm cảng ở phía Bắc như Cảng Hải Phòng (Mã: PHP), Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) báo doanh thu tăng trưởng 7% so sản lượng hàng hóa thông qua cảng đi lên so với cùng kỳ. Riêng với Cảng Hải Phòng, lợi nhuận sau thuế cải thiện 21% lên 181 tỷ đồng, một phần nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng do tỷ giá đồng yen Nhật xuống thấp, làm tăng lãi chênh lệch tỷ giá.

Tại khu vực miền trung, hai cụm cảng lớn là Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) và Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) có kết quả trái chiều.

Trong khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cảng Đà Nẵng đồng loạt tăng 14% nhờ sản lượng hàng hóa thông cảng cải thiện, Cảng Quy Nhơn báo lãi giảm 76% còn 33 tỷ đồng, do doanh thu khai thác cảng giảm mạnh và giá nguyên nhiên vật liệu cũng như tiền thuê đất tăng khiến giá vốn bị đội lên.

Tại khu vực phía Nam, doanh thu thuần của Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) tích cực hơn cùng kỳ do TP HCM triển khai thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng cảng biển trên địa bàn thành phố. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Cảng Đồng Nai khai thác tốt tuyến dịch vụ trung chuyển hàng hóa bằng sà lan về các cảng Cái Mép (Bà Rịa Vũng Tàu). Sản lượng ngành hàng container tăng cao dẫn đến doanh thu quý III của Cảng Đồng Nai tăng hơn 31% so cùng kỳ. 

Ngược lại, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) đi lùi. Bên cạnh nguyên nhân sản lượng hàng hóa thông cảng đi xuống, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm sút trong khi chi phí tài chính tăng cũng là yếu tố kéo lợi nhuận sau thuế của Cảng Sài Gòn sụt giảm 48% về 30 tỷ đồng.

Tùng Lâm
Bạn đang đọc bài viết Tăng trưởng doanh thu là bệ đỡ cho cổ phiếu cảng biển tại chuyên mục Chứng khoán của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan