Đối thoại an toàn, vệ sinh lao động năm 2022

28/04/2022, 17:28

TCDN - Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động vừa tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2022. Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dự và chủ trì hội nghị.

20220428_142353

Ông Bùi Đức Nhưỡng - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, sau đối thoại năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Trong đó có chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bằng 0%, áp dụng từ 01/7/2021 – 30/6/2022.

Bên cạnh đó, Bộ đã ban hành 07 thông tư quy định về tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động; chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đào tạo chuyên gia đánh giá việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động làm cơ sở đánh giá giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Ngoài các nội dung đã triển khai sau đối thoại 2020, các vướng mắc của các đại biểu tại Đối thoại năm 2022 được Hội đồng trả lời thấu đáo. Cụ thể, về đề xuất quy định doanh nghiệp báo cáo khi sử dụng máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động thuộc thủ tục hành chính cấp tỉnh như hiện nay là chưa phù hợp với thực tế. Nên quy định thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội) thực hiện xác nhận khai báo.

Đại diện Phòng Quy chuẩn và kiểm định kỹ thuật an toàn lao động - Cục An toàn lao động cho biết, nội dung này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổng hợp, báo cáo Văn phòng Chính phủ điều chỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc phân cấp cho UBND cấp huyện (Phòng Lao động – Thương binh xã hội) thực hiện xác nhận khai báo cần sửa Luật An toàn lao động, Nghị định 44/2016/NĐ-CP và Thông tư số 16. Như vậy, việc sửa đổi sẽ khá phức tạp bởi liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời phải xây dựng cả hệ thống báo cáo từ cấp huyện để các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.

Đối với vướng mắc chưa có quy định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động trong ngành nông nghiệp, đại diện Cục An toàn lao động nhấn mạnh, tại khoản 3 Điều 33 Luật An toàn lao động quy đinh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xây dựng chi tiết Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền. Theo đó, trên cơ sở đề xuất của các bộ ngành liên quan và trong quá trình xây dựng danh mục Bộ cũng đã gửi văn bản để các bộ ngành đề xuất máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn lao động. Tuy nhiên, đối với danh mục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có đề xuất. Vì vậy, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời có ý kiến làm rõ.

Liên quan đến việc xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đại biểu chia sẻ, hiện tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được tích hợp thành một quy định thống nhất (Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH). Tuy nhiên, Thông tư chưa quy định rõ, việc tra cứu tại các mục khác, ví dụ các đơn vị xây dựng khi thi công xây lắp chỉ cần tra cứu trong mục XIX nêu trên (tương ứng với ngành mình) hay vẫn cần tra cứu ở các ngành khác như: thợ sắt, thợ cơ khí, thợ hàn trong xây dựng phải tra cứu ở mục cơ khí… Việc này sẽ gây ra các cách hiểu khác nhau, đồng thời gây khó cho đơn vị khi phân loại các đối tượng trên trong việc thực hiện đúng, đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định. Chưa phân biệt rõ loại nào là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, loại nào đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo Cục An toàn lao động, Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định nghề, lĩnh vực áp dụng đối với một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Đối với lĩnh vực, ngành nghề khác sẽ được đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động được quy định tại Thông tư 29/2021/TT-BLĐTBXH. Kết quả đánh giá sẽ quyết định điều kiện lao động của nghề, công việc đó.

Hà Quyên
Bạn đang đọc bài viết Đối thoại an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Chuyển 2 doanh nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về SCIC
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa tổ chức Lễ ký Biên bản bàn giao quyền đại diện chủ hữu vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế (SOVILACO) và Công ty cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (SONA) về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).