Đồng Nai: Báo động thực trạng “vẽ” bệnh, moi tiền tại một số Phòng khám

28/10/2020, 08:54

TCDN - “Vẽ” bệnh, moi tiền; “phán” bệnh với kết quả xét nghiệm thần tốc… là thực trạng đáng báo động tại một số Phòng khám trên địa bàn Đồng Nai.

Từ “phán” bệnh online…

Cũng giống như những phòng khám tư nhân có dấu hiệu sai phạm khác mà Tài Chính Doanh Nghiệp đã đăng tải trước đó, một số phòng khám tại tỉnh Đồng Nai đào tạo hàng chục tư vấn viên online, hầu hết trong số này đều gắn lên mình cái mác bác sĩ để tư vấn trực tuyến và đăng tải thông tin quảng cáo lên mạng xã hội. Tất cả nhằm mục đích câu kéo khách hàng đến thăm khám.

Với những chiêu trò như vậy, khi bệnh nhân tỏ vẻ quan tâm, nhắn tin đến các cơ sở này ngay lập tức sẽ được đưa đến cuộc trò chuyện với các “bác sĩ online”. Tại đây, đội ngũ bác sĩ chưa rõ chứng chỉ hành nghề này mặc sức “chém” cho bệnh nhân đủ thứ bệnh, với mức độ nặng nhẹ khác nhau và sau đó hướng bệnh nhân đến các phòng khám với những lời giới thiệu có cánh.

Sau cú nhấp chuột, hàng loạt quảng cáo về các bệnh xã hội, bệnh phụ khoa mà một số phòng khám quảng cáo lần lượt hiển thị. Chưa kịp nhìn rõ những quảng cáo nói trên thì điện thoại của chúng tôi nhanh chóng được tự động đưa tới phần trò chuyện với bác sĩ.

Lúc này, một người tự nhận là bác sĩ tư vấn tên Hân tiếp cận khách hàng và chỉ sau vài ba câu thăm hỏi về triệu chứng, vị “bác sĩ online” này nhanh chóng kết luận PV có nguy cơ bệnh Lậu.

Mang tâm trạng lo lắng nhờ Hân tư vấn kỹ hơn về căn bệnh vừa được “vẽ” ra, vị này nhanh chóng nắm bắt tâm lý người bệnh và không quên thổi phồng mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà PV gặp phải: “Em có biết bệnh xã hội là gì không mà em cứ hỏi có sao không? Lậu chỉ đứng sau HIV về mức độ nguy hiểm thôi. Nếu em biết HIV thì em cũng biết nó nguy hiểm như thế. Bệnh này em chỉ cần tiếp xúc với dịch tiết người bệnh, dùng chung nhà vệ sinh, khăn tắm đều có thể lây nhiễm nên xã hội sợ, cách ly”.

Hân cũng cho hay, bệnh lậu mà PV đang gặp phải được chia làm 2 gia đoạn là cấp tính và mãn tính. Nếu PV đến thăm khám và điều trị kịp thời ở giai đoạn đầu sẽ cho hiệu quả cao.Tuy nhiên, khi chúng tôi bày tỏ sẽ đến các bệnh viện uy tín thăm khám thì Hân nhanh chóng khuyên ngăn với lý do tại các đơn vị này điều trị không hiệu quả.

“Bệnh em là bệnh xã hội, bệnh viện đa khoa không khám và điều trị hiệu quả cho em được đâu. Hơn nữa em đến bệnh viện có biết bao người, phải khai bệnh trước đám đông thì em còn ngại hơn nữa”, vị “bác sĩ online” nói và nhanh chóng hướng chúng tôi đến phòng khám.

Dứt lời, Hân nhanh chóng đặt lịch hẹn, gửi mã khám và địa chỉ phòng khám qua tin nhắn cho PV. Theo Hân, chỉ cần có mã khám, khi đến sẽ không phải chờ đợi mà có bác sĩ đợi sẵn.

Trong một lần khác liên hệ với phòng khám này, chúng tôi được một “bác sĩ online” tên P. chủ động bắt chuyện. Cũng giống như Hân, khi nghe PV trình bày các dấu hiệu, triệu chứng về phụ khoa P. cũng nhanh chóng “phán” cho PV bệnh Lậu.

Theo P., ngoài Lậu, PV cũng có nguy cơ cao bị viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang, có nhiễm trùng tiểu gây mủ. Như vậy, chỉ với triệu chứng tiểu buốt, tiểu rát mà PV đưa ra, 2 vị “bác sĩ online” tại phòng khám đã “vẽ” ra vô vàn căn bệnh xã hội. Mục đích cuối cùng vẫn là hướng khách hàng đến PK này thăm khám và điều trị.

Hù doạ đăng tải thông tin bệnh nhân lên mạng xã hội

Chúng tôi đặt lịch hẹn với vị bác sĩ online tên H. để thăm khám, đình chỉ thai trên 3 tháng tuổi. Sau đó, lấy lý có công việc đột xuất nên chưa thể đến thăm khám và tư vấn cụ thể. Lúc này, H. liên tục nhắn tin, gọi điện hối thúc, yêu cầu PV đến thăm khám sớm để chọn phương pháp bỏ thai.

Chưa hết, vị “bác sĩ” này ngang nược cho rằng sẽ đăng tải thông tin, hình ảnh về PV lên mạng xã hội để mọi người đều biết: “Mọi cuộc gọi và tin nhắn đều có lưu lại, tôi sẽ chụp và đăng lên mạng kèm hình ảnh của em để mọi người biết em là con người như thế nào nhé”.

Ngay sau đó, không hiểu vì sao mà hàng loạt số điện thoại lạ gọi đến số mà PV đã cung cấp đến H. và tự nhận là nhân viên của các PK trên địa bàn Tp.HCM và tỉnh Đồng Nai. Vì thấy PV để lại số điện thoại trên website nên liên hệ.

“Phán” bệnh online để “ép” bệnh nhân đến cơ sở của mình thăm khám đã đành, thế nhưng phòng khám kể trên còn o ép bệnh nhân ngay trên bàn mổ với chi phí và thủ đoạn trắng trợn. Liệu rằng các phòng khám này có được phép đình chỉ thai lớn 3 - 5 tháng như đã cam kết hay không? Và còn những chiêu trò gì mà các bác sĩ và nhân viên của cơ sở này vẽ ra để moi tiền bệnh nhân?

Quang Linh
Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Báo động thực trạng “vẽ” bệnh, moi tiền tại một số Phòng khám tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận