Đông Nam Á trở thành 'thiên đường đào tiền mã hóa' mới
TCDN - Giới khai thác tiền mã hóa đang dần hoàn thành quá trình chuyển dịch sang các các khu vực ở Malaysia, Indonesia, Lào và Thái Lan.
Một mảnh đất bỏ hoang rộng hơn 68.000 m2 nằm ở giữa khu công nghiệp Borneo từng là địa điểm dành cho hoạt động chế biến gỗ và nuôi tổ yến. Tuy nhiên, vào năm 2023, ngành công nghiệp khai thác tiền mã hóa đã bất ngờ xuất hiện tại đây.
Với sự che chắn của một mái nhà bằng tấm kim loại rộng lớn, hơn 1.000 thiết bị đào coin chuyên dụng với công suất lớn đang hoạt động mỗi ngày, tạo nên một khung cảnh chưa từng thấy giữa hòn đảo vắng vẻ.
Sự dịch chuyển hoạt động đào tiền số
Địa điểm ở Tanjung Manis (Malaysia) là địa điểm lớn nhất trong số 4 cơ sở khai thác trong khu vực do công ty Bityou điều hành. Chủ sở hữu là Peter Lim đã chọn địa điểm này sau khi ông buộc phải đóng cửa một trung tâm khai thác lớn ở Trung Quốc.
“Phần lớn công ty khai thác tiền mã hóa đã rời khỏi các khu công nghiệp ở Trung Quốc. Sau khi xem xét, chúng tôi nghĩ tại sao không tận dụng những nguồn tài nguyên bị bỏ hoang ở một số nước Đông Nam Á”, Peter Lim nói.
Peter Lim là một trong số nhiều “thợ mỏ” đang nổi lên ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, không phải tất cả người hoạt động trong lĩnh vực này đều hợp pháp. Trước đây, Trung Quốc từng là quốc gia thống trị về hoạt động khai thác tiền số Bitcoin. Theo dữ liệu do Đại học Cambridge thu thập, Trung Quốc chiếm khoảng 3/4 hoạt động khai thác coin trên toàn cầu.
Đến khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa là hoạt động tài chính bất hợp pháp, ngành công nghiệp này đã lụi tàn.
“Lúc đó, chính quyền tại địa phương chỉ đơn giản là tịch thu tài sản của bạn”, Alex Loh, đồng nghiệp của Peter Lim tại Bityou, kể lại.
Alex Loh nói khoảng 3.000 máy móc của ông đã bị thu giữ tại trung tâm khai thác ở Nội Mông. Đồng thời, một nhà máy công suất 120 mW ở tỉnh Tứ Xuyên cũng chịu số phận tương tự. “Chúng tôi đã dành khoảng 3 tháng để xây dựng những nơi đó. Nhưng khi bắt đầu hoạt động, chúng tôi buộc phải dừng lại trong chưa đầy một tháng”, ông Loh nói thêm.
Bất chấp sự kiểm soát của Trung Quốc, giá Bitcoin đã tăng hơn 4 lần kể từ đầu năm ngoái và hiện được giao dịch quanh mức 67.000 USD. Theo dữ liệu thu thập bởi The Block Research, sự quan tâm của các tổ chức lớn đã mang lại lợi ích cho nhiều thợ mỏ, những người kiếm được doanh thu 960 triệu USD trong tháng 5.
Ngoài ra, hiệu suất lạc quan của Bitcoin cũng bù đắp một phần tác động của quá trình “halving” vào tháng 4, một sự kiện xảy ra 4 năm/lần nhằm cắt giảm phần thưởng của các thợ đào còn một nửa.
Giới đào tiền mã hóa hướng tới Đông Nam Á
Dữ liệu của Đại học Cambridge cho thấy Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về hashrate vào tháng 1/2022, thước đo sức mạnh tính toán được sử dụng để xử lý các giao dịch trên mạng Bitcoin.
Xếp ngay sau Mỹ là các quốc gia đến từ Đông Nam Á. Dữ liệu từ Đại học Cambridge cho thấy Malaysia đóng góp 2,5% hashrate toàn cầu và nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu. Ngoài ra, Alexander Neumüller, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge, nói kết quả sơ bộ từ nghiên cứu chỉ ra rằng Malaysia và Indonesia là những nước tại Đông Nam Á có tỷ lệ tăng trưởng rõ rệt nhất.
Peter Lim cho biết sự sẵn có của nguồn điện giá rẻ, lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng đã làm tăng thêm sức hấp dẫn của khu vực Đông Nam Á đối với các thợ mỏ. Nhiều trung tâm đào coin đã tận dụng những khu vực bỏ hoang với mức thuê rẻ, ít chịu sự quản lý từ chính quyền để đẩy mạnh hoạt động khai thác.
Tuy chưa có các quy định rõ ràng, nhiều công ty khai thác đã dần tính chuyện hoạt động hợp pháp tại Đông Nam Á nhằm đảm bảo các trung tâm được cung cấp nguồn điện ổn định và tránh gặp các rắc rối về pháp lý trong tương lai.
Xây dựng các trung tâm khai thác không phải lúc nào cũng đơn giản đối với nhiều thợ mỏ. Giống như Peter Lim, nhiều công ty cũng lựa chọn những địa điểm vắng vẻ và ít bị cơ quan quản lý địa phương kiểm soát. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và năng lượng không ổn định lại gây ra vấn đề nhức nhối mới cho các trung tâm đào coin lớn.
Hoạt động khai thác tiền mã hóa ở Lào, nơi có ngành thủy điện đang phát triển, đã đình trệ do đợt hạn hán khắc nghiệt trong nửa đầu năm nay. Hạn hán đồng nghĩa với việc công ty điện lực nhà nước đã rút nguồn cung cấp năng lượng cho các thợ đào.
Somboun Sangxayarath, cố vấn tại Electricite Du Laos, nói rằng khai thác tiền mã hóa chiếm hơn 1/3 tổng nhu cầu năng lượng tại Lào.
Ngoài ra, các cuộc kiểm tra đột xuất của cảnh sát địa phương với những người khai thác Bitcoin sử dụng điện năng bất hợp pháp là chuyện thường xuyên xảy ra ở Malaysia, Indonesia và Lào. Theo Takiyuddin Hassan, bộ trưởng năng lượng và tài nguyên của Malaysia, hành vi trộm cắp điện của những người khai thác Bitcoin đã khiến Malaysia thiệt hại khoảng 2,3 tỷ ringgit (550 triệu USD) và con số này vẫn tiếp tục tăng vào đầu năm 2022.
Bất chấp những thách thức, lĩnh vực khai thác tiền mã hóa dự kiến có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á. Taras Kulyk, người sáng lập và CEO của SunnySide Digital, nhà phân phối phần cứng cho thiết bị khai thác cho biết: “Hoạt động khai thác Bitcoin ở Đông Nam Á đã sẵn sàng cất cánh trong vài năm tới”.
Trong khi đó, Peter Lim của Bityou thừa nhận các thợ mỏ ở Đông Nam Á “phải tìm ra một số cách thích nghi độc đáo, cho dù đó là về giá điện hay sự cạnh tranh trong khu vực”. Ông cũng nhận định rằng các thợ đào cần một yếu tố mới mẻ để tạo lợi thế dẫn đầu ngành.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899